Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhắn nhủ 7 điều với giới trẻ trên con đường tạo dựng sự nghiệp, tại buổi đối thoại về Câu chuyện khởi nghiệp vừa diễn ra tại TP.HCM.
Các bạn trẻ ngồi kín hội trường nghe bà Ninh nói chuyện |
“Đã lâu rồi tôi không được tham dự hội thảo với nhiều người trẻ và lịch sự, điềm tĩnh lắng nghe”, bà Tôn Nữ Thị Ninh mở đầu buổi nói chuyện với sự cởi mở, sôi nổi. Rành mạch, dễ hiểu, bà chỉ ra 7 điều cần lưu ý cho người trẻ khi quyết định khởi nghiệp.
1. “Muốn khởi nghiệp, trước hết phải tự lập”. Khi một bạn trẻ bắt đầu sự nghiệp chính là thời điểm chuyển giao giữa phụ thuộc vào ba mẹ và tự lập. “Bất kể ai, khi đã thấy mình đủ lớn, hãy nghĩ đến chuyện tự lo lắng cho cuộc đời, kiếm một công việc. Khởi nghiệp không chỉ có nghĩa tự kinh doanh hay làm những điều lớn lao mà đơn giản có thể là khởi đầu sự nghiệp của mình”, bà Ninh nói.
2. Người trẻ cần “định nghĩa sự nghiệp mình muốn đi theo”. Với sự dí dỏm và hài hước, bà Ninh đã chia ra quá trình tạo dựng sự nghiệp thành 2 cách: cách “Clinton” và tự khám phá. Ở cách thứ nhất, bà ví von với quá trình của vợ chồng Tổng thống Mỹ Bill Clinton cùng hành trình đưa ông lên làm tổng thống. Họ có mục đích rõ ràng và sống vì nó tới cùng. Cách thứ hai, cũng là cách bà Ninh đã tạo dựng sự nghiệp - bắt đầu từ khi chưa hiểu rõ mình cần gì, do đó cần nhiều thời gian tìm tòi, khám phá, làm việc hết mình và học hỏi thật nhiều.
3. Người trẻ cần nhạy bén với cơ hội. “Không chỉ người trẻ mà tất cả mọi người đều có nhiều cơ hội trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhạy bén với nó. Có những thời khắc chúng ta phải đưa ra quyết định nắm bắt cơ hội hay không. Nếu đã chọn sự nghiệp, phải biết đối diện và buông bỏ những thứ không thuộc mục tiêu hàng đầu”, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhắn nhủ.
4. Cần phải có thời gian. Nhiều bạn trẻ tự gây áp lực cho mình vì hai chữ thành công khi khởi nghiệp. Tiền là một dấu hiệu của thành công nhưng không phải là tất cả. Hãy cho mọi người thời gian để đánh giá lại hiệu quả, giá trị và những kết quả có ý nghĩa với bản thân, cộng đồng hơn là tiền.
5. “Khởi nghiệp tự trọng”. Tự trọng là khi biết nói không ngay cả khi khó nói. Nhiều bạn trẻ tâm sự với bà Ninh về chuyện không thể làm kinh doanh sạch sẽ 100%. Theo quan điểm của bà, hãy làm mọi thứ một cách tích cực nhất và giữ vững giá trị của mình.
6. Khởi nghiệp cũng phải biết dung hòa. Cần nghĩ đến người khác chứ không chỉ chăm chăm vào lợi ích cá nhân. Nên tạo ra lợi ích chung và phát triển EQ (trí thông minh cảm xúc) hơn nữa.
7. Lưu ý hai chữ tiền và danh vọng. Khởi nghiệp luôn đi với quá trình của tiền bạc và danh vọng. Tuy nhiên, phải xác định rõ danh vọng đôi khi là những thứ bất ngờ đến như câu chuyện anh chàng Hà Đông với trò chơi Flappy Bird. Do đó, người trẻ nên đặt giá trị của mình lên trước, sau đó mới theo đuổi những thứ còn lại.
7 điều bà Tôn Nữ Thị Ninh nói đến đã nhận được nhiều sự đồng cảm từ các bạn trẻ. Những người đã đi làm, đang có sự nghiệp bền vững hay vẫn đang tìm kiếm ước mơ cho riêng mình cùng vỗ tay ủng hộ lời bà chia sẻ.
Không khuyến khích phụ huynh dạy con kinh doanh từ sớm Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng để có thể thuyết phục được cha mẹ, người trẻ cần chuẩn bị chắc chắn và dũng cảm với quan điểm của mình. Phải có những bằng chứng cụ thể, chính xác để thế hệ trước có thể tin tưởng thế hệ sau. Chính vì thế, bà cũng không khuyến khích phụ huynh dạy con kinh doanh từ quá sớm. “Hãy để trẻ con là trẻ con”. Nếu bạn trẻ nào cũng muốn làm CEO từ quá sớm thì không thể thành công khi chưa có sự chuẩn bị. Bà Tôn Nữ Thị Ninh sinh năm 1947 tại Thừa Thiên-Huế. Bà là Phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình VN, Chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển TP.HCM, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội và giáo dục Trí Việt. Bà từng là đại sứ đặc mệnh toàn quyền của VN tại một số quốc gia Liên minh Châu Âu và một số quốc gia khác... Đồng thời, bà từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại quốc hội. |
Quỳnh Hữu (thanhnien)