Khoa học - Công nghệ

Xe 360

7 thói quen của tài xế dễ gây hư hại cho ô tô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong quá trình sử dụng ô tô, có những thói quen tưởng chừng như vô hại của người lái nhưng theo thời gian rất dễ làm hư hỏng một số chi tiết, bộ phận trên xe.

 Chuyển số khi xe chưa dừng hẳn dễ làm hư hại các chi tiết hộp số
Chuyển số khi xe chưa dừng hẳn dễ làm hư hại các chi tiết hộp số


Ông bà ta có câu: “Của bền tại người”, độ bền bỉ của mỗi chiếc ô tô trong quá trình sử dụng phụ thuộc rất nhiều vào những thói quen của người lái. Việc chủ quan, lơ đãng hệ thống đèn cảnh báo hay thao tác không đúng các bộ phận phanh tay, phanh chân, cần số… Theo thời gian sẽ làm giảm tuổi thọ của ô tô. Dưới đây là những thói quen mà các tài xế nên sửa đổi, để tránh gây ra những hư hỏng không đáng có cho chiếc xe của mình:

Không kéo phanh tay khi đỗ xe

Khi đỗ xe trên địa hình bằng phẳng, nhiều tài xế thường chủ quan chỉ chuyển số về P nhưng không kéo phanh tay. Lúc này, dù xe không thể di chuyển do hộp số giữ lại nhưng chốt hãm trong cơ cấu hộp số phải chịu lực rất lớn từ trọng lượng xe.

Điều này có thể làm chốt hãm bị gãy hoặc chí ít cũng làm kẹt nhẹ cơ cấu chuyển số, khiến cho việc chuyển cần số từ vị trí P sang D hay R sau đó sẽ khó khăn và nặng nề hơn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, khi sử dụng ô tô các lái xe nên kéo phanh tay khi đỗ xe.

Chuyển số về P trước khi kéo phanh tay

Một số tài xế khi đỗ xe lại có thói quen chuyển cần số về vị trí P trước khi kéo phanh tay. Theo suy nghĩ của nhiều người, việc chuyển cần số về vị trí P hay kéo phanh trước thường không quan trọng khi đã đảm bảo thực hiện hết các thao tác để đỗ xe. Tuy nhiên, nếu xe chịu tải nặng hay thường xuyên đỗ tại các vị trí không bằng phẳng… việc chuyển cần số về P trước khi kéo phanh tay sẽ làm ảnh hưởng đến các chi tiết trong cơ cấu hộp số.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, khi đỗ xe, các lái xe nên thực hiện theo các bước: Đạp phanh chân cho xe dừng hẳn, chuyển cần số về N, kéo phanh tay sau đó chuyển số về P để đảm bảo an toàn và không làm hư hại hộp số.

Chuyển từ số lùi (R) sang số tiến (D) khi xe chưa dừng hẳn

Đây là thói quen của một số lái xe khi thực hiện các thao tác để xoay trở, đỗ xe trong các trong những khu vực có không gian hẹp. Để thao tác nhanh gọn, sau khi lùi xe, lái xe thường rà phanh gạt nhẹ cần số để tiến về phía trước. Tuy nhiên, việc này nếu diễn ra thường xuyên, sẽ làm cho các bánh răng số bị phá vỡ do mô men xoắn bị đảo chiều đột ngột gây hư hỏng nghiêm trọng trong hộp số.

Lơ đãng khi đèn cảnh báo phát sáng

Hệ thống đèn cảnh báo trên bảng đồng hồ hiển thị thông số dành cho người lái giúp bạn có thể phát hiện các sự cố mà xe đang gặp phải.

Tuy nhiên, nhiều tài xế chỉ chăm chăm vào việc ôm vô lăng mà lơ đãng khi đèn cảnh báo phát sáng. Điều này, khiến hư hỏng ngày càng nặng nề hơn đồng thời không bảo đảm an toàn trong suốt quá trình xe.

Liên tục rồ ga khi chưa “nóng máy”

Một số lái xe thường có thói quen rồ ga ngay sau khi khởi động động cơ. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến các chi tiết trong động cơ. Khi vừa đề máy, dầu nhớt trong động cơ chưa kịp lưu thông, các chi tiết cũng chưa kịp được bôi trơn hoàn toàn… Nếu người lái liên tục rồ ga sẽ khiến động cơ hoạt động nhanh, ma sát sinh ra sẽ khiến các chi tiết nhanh bị hao mòn.

Rà phanh khi xe đỗ dốc

Thói quen này thường gặp ở các tài mới khi điều khiển ô tô qua các cung đường đèo dốc. Nếu liên tục rà phanh, sẽ làm nóng dầu phanh trong ống nhanh bị sôi má phanh quá nhiệt do ma sát rất dễ dẫn đến việc cháy phanh, mất thắng.

Vì vậy, theo một số lái xe có kinh nghiệm, khi đỗ đèo, dốc nên chuyển chuyển về các cấp số thấp để tận dụng hãm phanh theo cách phanh động cơ và không cần đạp phanh nhiều. Hiện nay, nhiều ô tô số tự động cũng đã được trang bị chế độ chuyển số tay, giúp lái xe chủ động điều chỉnh các cấp số.

Thường xuyên để bình nhiên liệu cạn

Bơm xăng/dầu có nhiệm vụ đưa nhiên liệu từ bình tới buồng đốt. Nếu thường xuyên lái xe với bình nhiên liệu cạn kiệt, hay chờ tới khi đồng hồ báo nhiên liệu phát sáng mới đổ thêm sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thống này.

Thùng chứa nhiên liệu bằng kim loại có xu hướng đóng cặn khi mức nhiên liệu thấp. Lúc này, cặn bã bị hút trong bình xăng sẽ bám vào bộ lọc, khiến bộ lọc bị nghẽn. Một số mẫu xe cũ, các tạp chất đóng cặn có thể gây nghẹt bơm, kim phun… khiến nhiên liệu không thể đến được buồng đốt làm xe không thể khởi động.

Hoàng Cường (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm