Xã hội

Đời sống

8 hiệp hội doanh nghiệp đề xuất giảm tỷ lệ đóng BHXH

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cho rằng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực như Malaysia, Phippines, Indonesia, Thái Lan… 8 hiệp hội doanh nghiệp đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí tử tuất.

Góp ý vào dự thảo luật BHXH sửa đổi, mới đây, 8 hiệp hội doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: dệt may; da giày - túi xách; gỗ và lâm sản; nhựa; chế biến và xuất khẩu thủy sản; điện tử; thực phẩm minh bạch và mỹ nghệ - chế biến gỗ TP.HCM, cho rằng dự thảo quy định tỷ lệ BHXH đối với người lao động và người sử dụng lao động vẫn giữ như luật BHXH 2014. Trong đó, người lao động đóng 8%, chủ sử dụng đóng 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

8 hiệp hội doanh nghiệp đề xuất giảm tỷ lệ đóng BHXH vào quỹ hưu trí tử tuất từ 22% xuống 16 - 20%. Ảnh: THU HẰNG

Theo các hiệp hội, tỷ lệ đóng BHXH 22% của Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực. Trong khi các nước cùng khu vực có tỷ lệ đóng thấp hơn, như Malaysia 13%; Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5% và Myanmar 2%.

Tại dự thảo luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương án làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Phương án 1, giữ nguyên quy định hiện hành, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động.

Phương án 2, căn cứ đóng là tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của bộ luật Lao động. Tiền lương làm căn cứ đóng không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Theo các hiệp hội, chọn phương án 1 tuy có giảm bớt áp lực cho người lao động và người sử dụng lao động về mức đóng, nhưng sẽ làm mất đi tính đồng bộ của chính sách, mất cân đối giữa các doanh nghiệp bởi khoảng cách thu nhập của người lao động khi đi làm và khi về hưu rất khác biệt. Nếu theo phương án 2, doanh nghiệp sẽ không chịu đựng được, giảm khả năng cạnh tranh và lao động sẽ giảm thu nhập.

Với lý do trên, 8 hiệp hội đã thống nhất đề xuất 2 phương án điều chỉnh tiền lương tính đóng BHXH theo hướng giảm tỷ lệ nhưng nâng nền đóng sát với thu nhập thực tế lao động.

Phương án 1, đưa tỷ lệ đóng về mức 20% như năm 2009, trong đó lao động 5% và giới chủ đóng 15%. Nền đóng không dựa trên đầu vào gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác trong hợp đồng mà căn cứ vào đầu ra, tức trên 70% thu nhập thực tế của lao động. Cách này sát thực tiễn, đảm bảo người thu nhập cao đóng nhiều, thu nhập thấp đóng ít.

Phương án 2, tỷ lệ đóng giảm xuống còn 16%, trong đó lao động 4% và giới chủ 12%. Nền đóng căn cứ trên thu nhập thực tế, chiếm khoảng 90%, trừ một số khoản không có tính chất lương.

Lý giải về lựa chọn này, các hiệp hội, cho hay chọn phương án nào cũng đều khắc phục được bất cập của tỷ lệ đóng và nền đóng theo luật hiện hành. Nguồn thu BHXH sẽ không giảm, thu nhập lẫn lương hưu của lao động không quá cách biệt và loại trừ được yếu tố thỏa thuận của đôi bên. Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa có thể quy định thấp hơn mức 75% nhưng tiền lương thực lĩnh của lao động cao hơn.

Ngoài ra, 8 hiệp hội cũng đề thêm ban soạn thảo cần ra quy định rõ ràng về các khoản phụ cấp, khoản bổ sung phải tính đóng BHXH để tránh tình trạng luật có hiệu lực, mỗi bên hiểu khác nhau khiến việc chấp hành bị ảnh hưởng tiêu cực.

Có thể bạn quan tâm