Phóng sự - Ký sự

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 2: Để mỗi vùng sâu cùng vượt lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những thành tựu trong công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với những giải pháp nhằm giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

khoi-day-y-chi-dd.jpg
Công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh: K.MINH

Xóa đói, giảm nghèo là một thành tựu nổi bật ở Việt Nam đã được thế giới công nhận. Chính sách giảm nghèo là chính sách quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Những chính sách đó không chỉ tập trung ở khu vực đô thị mà trải đều và rộng khắp đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hẻo lánh.

Từ một Bá Thước thành công

“Nơi có rừng thì giữ, nơi có sông thì dùng”, tri thức bản địa được đúc kết tại mỗi địa phương đã được lắng nghe, tiếp thu và đưa vào định hướng, chính sách, từ đó phát triển thế mạnh sẵn có của từng vùng, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Thôn Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước là nơi sở hữu những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, lại nằm ngay vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nên khí hậu quanh năm dễ chịu. Mặc dù vậy, do địa hình núi non chia cắt nên nhiều năm trước, thôn thuần nông mãi vẫn thuần nông, không tìm được sự bứt phá. Nhiều năm liền nằm trong số những xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn lên tới hơn một nửa dân cư.

Ngày 1/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bá Thước đã ban hành Nghị quyết 04 về “Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025”. Sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết đã tạo ra sự chuyển biến trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại huyện. Bí thư Đảng ủy xã Thành Lâm Bùi Hải Đường cho hay, xã đã vận động bà con tăng nguồn chăn nuôi như cá dốc, nuôi vịt Cổ Lũng…, tăng thâm canh cây lúa hữu cơ và tăng vụ rau màu như rau su su, một số loại rau sạch trái vụ đã thử nghiệm thành công ở thôn Bầm và đang lan rộng sang các thôn khác để cung cấp cho khách du lịch. Như vậy, việc phát triển du lịch vừa tạo đầu ra cho nông sản địa phương, mặt khác sản xuất nông nghiệp cũng nhằm tạo thêm những hoạt động mang bản sắc riêng, tăng tính hấp dẫn cho ngành dịch vụ.

Từ trước khi có Nghị quyết 04, người dân ở thôn Đôn, xã Thành Lâm đã giữ gìn được những nét đẹp, nếp nhà của người Thái trong thôn. Từ đó thu hút sự quan tâm của du khách và mở ra thời kỳ chuyển biến từ lao động sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ du lịch, lữ hành. Nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước đang tiếp tục triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế. Theo ông Hà Huy Giáp, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đôn: “Mức sống của người dân trước đây bình quân đầu người là 5 triệu đồng/năm, nhưng dần dần hiện nay bình quân cả xã đã nâng lên là 33 triệu đồng/năm. Với những mục tiêu cao hơn, xã, huyện triển khai về, chúng tôi tiếp tục phân công đảng viên giàu kinh nghiệm, đã thành công thực tế về chăn nuôi, trồng trọt phụ trách, kèm cặp các hộ gia đình”.

2ps.jpg
Ông Hà Huy Giáp (giữa) Bí thư chi bộ thôn Đôn. Ảnh: TÂM THANH

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước chia sẻ: “Thực hiện Nghị quyết 04, chủ trương của huyện đối với hệ thống ruộng bậc thang trong xã Thành Lâm là giữ nguyên hiện trạng, chỉ có tăng thêm chứ không được giảm bớt. Đối với giống lúa trên ruộng bậc thang, cần chuyển đổi cơ cấu dài hơn để duy trì cảnh quan. Trước đây sử dụng giống 3 tháng, hiện nay sử dụng 4 tháng rưỡi, hai là đưa giống lúa có chất lượng cao như lúa nếp để giữ cảnh quan. Chúng tôi cũng khuyến khích bà con hoàn toàn canh tác hữu cơ tự nhiên, lấy sản phẩm từ lúa gạo đó. Đồng thời khách du lịch đến ngắm, tìm hiểu canh tác hữu cơ, hình thành sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Đối với những hộ không làm du lịch nhưng lại trồng lúa, chúng tôi kêu gọi cộng đồng làm du lịch có sự chia sẻ lợi ích, đóng góp trở lại như mua giống lúa hỗ trợ người trồng, chia sẻ trách nhiệm với những hộ làm nông nghiệp để có thể bảo vệ môi trường, cảnh quan…”.

Theo ông Phạm Đình Minh, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện các mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững huyện Bá Thước, từ thực tiễn địa phương, cùng lúc, huyện đang triển khai đồng loạt ba chủ trương, chính sách lớn là CTMTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các CTMTQG đã giúp địa phương nhận được những gói đầu tư các dự án khởi công mới; nhiều chương trình đang góp phần phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách bền vững. Huyện cũng liên tục rà soát các hộ trên địa bàn huyện có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… để bảo đảm giải ngân vốn đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 thuộc Chương trình.

Ngẫm việc lấy con người là trung tâm

Trao đổi ý kiến với bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam, bà bày tỏ sự đồng tình với ý kiến cho rằng, xóa đói giảm nghèo là một thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau nhiều thập kỷ nỗ lực. “Chính nhờ cách tiếp cận phát triển lấy con người làm trung tâm mà Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong phát triển con người, tiếp tục tăng thứ hạng trong bảng xếp hạng Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2023 được công bố vào tháng 3 năm nay”, bà cho biết thêm.

Bà Ramla Khadili: “Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cùng việc tạo việc làm là động lực giảm nghèo ở Việt Nam. Sự chuyển dịch ổn định việc làm từ nông nghiệp sang sản xuất và dịch vụ đã làm tăng tỷ lệ dân số làm việc với mức lương ổn định, dẫn đến giảm thiểu tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp. Chính phủ đã đóng vai trò chủ đạo trong công tác giảm nghèo thông qua nhiều CTMTQG về giảm nghèo và phát triển nông thôn, cũng như thông qua các chương trình chính thống nhằm đạt được mục tiêu tiếp cận toàn dân với giáo dục và dịch vụ y tế.

Hiện nay, khi tình trạng nghèo đói cùng cực đã gần như được xóa bỏ ở Việt Nam, sự chú ý đã chuyển sang các lỗ hổng mới nổi liên quan đến biến đổi khí hậu và các thách thức môi trường khác, sự thay đổi nhân khẩu học, thay đổi công nghệ và bất bình đẳng giới”.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2023, trên cả nước có 98,4% xã đường ô-tô đến được trung tâm; 96,7% hộ dân tộc thiểu số (DTTS) được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, THCS; 99,3% xã có trạm y tế, trong đó 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sĩ, y tá khám, chữa bệnh cho người dân; hơn 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông. Công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều thay đổi tích cực, bình quân tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 ở 74 huyện nghèo giảm xuống còn 38,62% (giảm khoảng 3% so năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 2 - 3%/năm; 86,4 hộ DTTS có nhà ở kiên cố và bán kiên cố; 89,6% người DTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phân tích, do có những khó khăn đặc thù, nên vùng đồng bào DTTS và miền núi ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn so mặt bằng chung của đất nước, nhất là địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thời gian qua cùng với các CTMTQG, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành ban hành hơn 100 chính sách dân tộc, chính sách xã hội, giảm nghèo; trên cơ sở đó, các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình thực tiễn, thẩm quyền cũng ban hành nhiều chính sách cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội.

“Chính sách dân tộc đã tác động toàn tiện đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên, tập trung vào vùng khó khăn, những vấn đề khó khăn như: phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, giải quyết nhà ở, đất ở, đất sản xuất, phát triển giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực… Cùng với sự cố gắng vươn lên của đồng bào, tình hình đã phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện”, ông Nguyễn Lâm Thành đánh giá.

(Còn nữa)

Theo THANH TÂM, HÀ DUNG (NDO)

Có thể bạn quan tâm