Cụ thể, tại Điều 44 của dự thảo Thông tư đề xuất 8 trường hợp thu hồi GPLX, bao gồm: người lái xe có hành vi gian dối để được cấp GPLX; người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; để người khác sử dụng GPLX của mình; cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện.
Cùng với đó là các trường hợp: thông qua việc khám sức khỏe cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 10 Điều 5; điểm h và điểm i khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP); người được cấp GPLX không đủ điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám chữa bệnh đối với từng hạng GPLX; GPLX được cấp sai quy định; GPLX đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng.
Cơ quan có thẩm quyền cấp GPLX thực hiện thu hồi theo trình tự sau: Đầu tiên, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp GPLX ra quyết định thu hồi và hủy bỏ GPLX. Nội dung của quyết định nêu rõ lý do thu hồi và hủy bỏ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi GPLX, người lái xe phải nộp GPLX bị thu hồi đến cơ quan thu hồi GPLX và cơ quan có thẩm quyền cấp GPLX có trách nhiệm thu hồi GPLX đã cấp và hủy bỏ theo quy định.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp GPLX đã sáp nhập, chia, tách, giải thể, hết thẩm quyền cấp thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ GPLX là cơ quan đang quản lý sổ gốc cấp GPLX.
Người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm; nếu có nhu cầu cấp lại GPLX phải học và sát hạch lại như trường hợp cấp GPLX lần đầu.
Dự kiến dự thảo Thông tư này sẽ áp dụng từ 1-1-2025, thay thế Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15-4-2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 8-10-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT.