9 văn bản luật có hiệu lực từ 1.1.2021 là những văn bản nào?
9 văn bản luật có hiệu lực từ 1.1.2021 - Ảnh minh họa: Thanh Niên Online |
Tại kỳ họp thứ 9 và 10 năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 17 văn bản luật, đáng chú ý là 9 văn bản luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, cụ thể như sau:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp; luật Thanh Niên; luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; luật Doanh nghiệp; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; luật Đầu tư; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng; luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội.
Thêm đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp
Theo đó, luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực ngày 1.1.2021 bổ sung thêm một đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp là tổ chức pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của bộ luật Hình sự.
Đồng thời, luật Doanh nghiệp 2020 còn bổ sung thêm yêu cầu, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.
Cùng với đó, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành.
Hiện luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định 6 trường hợp thuộc các tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp tại VN, như sau: Luật Doanh nghiệp năm 2014 |
Cùng với đó, luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng chỉ quy định tên, địa điểm kinh doanh viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
"Khai tử" dịch vụ đòi nợ thuê
Luật Đầu tư 2020 đã đưa hoạt động "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ" ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Kể từ ngày 1.1.2021, dịch vụ đòi nợ chính thức được chuyển vào danh mục ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh.
Theo đó, luật Đầu tư 2020 quy định hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành. Các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Đồng thời, luật này cũng bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; 4 trường hợp không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cùng một số điều đáng chú ý khác.
Liên quan 9 văn bản luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, trong 17 văn bản luật được Quốc hội thông qua còn có luật Cư trú; luật Thảo thuận quốc tế; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng, chống nhiễm vi - rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng chống thiên tai và luật Đê điều có hiệu lực từ ngày 1.7.2021.
Đồng thời, luật Bảo vệ môi trường; luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; luật Biên phòng Việt Nam; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1.1.2022.
Theo BÍCH NGÂN (thanhnien)