Xã hội

Đời sống

Quốc hội 'chốt' chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu năm 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 13-11, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với số thu ngân sách nhà nước là 1.966.839 tỉ đồng; Sử dụng 60.000 tỉ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỉ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

Các đại biểu Quốc hội nghe báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trước khi biểu quyết thông qua. Ảnh: Hồ Long
Các đại biểu Quốc hội nghe báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trước khi biểu quyết thông qua. Ảnh: Hồ Long

Quốc hội quyết nghị tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.548.958 tỉ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỉ đồng, tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 443.100 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP; Bội chi ngân sách địa phương là 28.400 tỉ đồng, tương đương 0,2% GDP; Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 835.965 tỉ đồng.

Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội thống nhất chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.

Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Quốc hội cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15 của Quốc hội.

Quốc hội cho phép từ ngày 1-7-2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.

Tại Nghị quyết, Quốc hội cũng cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

Quốc hội giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp. Nghiên cứu, có chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan.

Chính phủ được giao chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất việc xử lý các bất hợp lý phát sinh trong chế độ cho một số đối tượng, ngành nghề như viên chức ngành giáo dục, y tế...

Cùng với đó, xem xét đề xuất việc tiếp tục điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong trường hợp tình hình kinh tế - xã hội năm 2025 thuận lợi hơn và cân đối được nguồn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tăng cường thanh kiểm tra trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo Minh Chiến - Văn Duẩn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm