Xã hội

Đời sống

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Toàn huyện Chư Păh có 12 công trình giếng khoan được xây dựng tại 2 xã Ia Phí và Đăk Tơ Ver. Mỗi giếng khoan được đầu tư cùng với các hạng mục như: bồn chứa nước 3.000 lít, máy bơm, sân giếng, khuôn viên, bồn hoa có diện tích 100 m2 và các công trình phụ trợ khác. Kinh phí xây dựng là 90 triệu đồng/giếng do Tổ chức ASIF tài trợ.

1-bg-cong-trinh-gieng-sach-trao-buon-tai-lang-yut-xa-ia-phi-dam-bao-cung-cap-nuoc-sach-sinh-hoat-cho-nguoi-dan.jpg
Công trình “Giếng sạch trao buôn” tại làng Yút (xã Ia Phí) đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân. Ảnh: L.N

Bà Rơ Châm Bợi (làng Yút, xã Ia Phí) cho hay: Từ khi có giếng nước khoan ở nhà sinh hoạt cộng đồng, gia đình thường xuyên đến lấy nước về dùng. Bây giờ, người dân không phải lo thiếu nước sạch sinh hoạt nữa.

Còn ông Rơ Châm Ayil-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Yút thì cho biết: Làng có 133 hộ với 556 khẩu, trong đó, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96%. Trước đây, người dân thường đào giếng để vừa lấy nước tưới cho cây trồng vừa dùng để sinh hoạt. Tuy nhiên, vào mùa khô, hầu hết các giếng nước trong làng đều bị cạn. Để có nước sinh hoạt, bà con phải đến các giọt nước lấy nước về dùng rất vất vả.

"Để đảm bảo công trình hoạt động tốt, chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn bà con cùng chung tay bảo vệ. Còn tiền điện để bơm nước, chúng tôi sẽ trích từ quỹ của làng để chi trả”-ông Ayil chia sẻ.

Ông Rơ Châm Laoh-Chủ tịch UBND xã Ia Phí-thông tin: Xã Ia Phí có 13 làng đồng bào dân tộc thiểu số với 1.804 hộ/7.519 khẩu. Xã được hỗ trợ 6 giếng tại các làng: Tum, Kênh, Yút, Yang 2, Rồi, Kép. Từ khi được Tổ chức ASIF tài trợ giếng khoan, bà con trong xã có nguồn nước sạch để sinh hoạt.

Tương tự, xã Đăk Tơ Ver được hỗ trợ 6 giếng khoan tại các làng: Tuêk, Krăh, Hde, Om, Mor và khu trung tâm xã. Chủ tịch UBND xã Cao Phi Văn cho hay: Các công trình giếng khoan đã giúp người dân đảm bảo nước sinh hoạt trong mùa khô. Để công trình hoạt động hiệu quả, UBND xã đã chỉ đạo cho các thôn, làng tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, bảo quản công trình cho tốt.

Ngoài số giếng do Tổ chức ASIF tài trợ, trên địa bàn xã cũng được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho khoảng 370 hộ dân với tổng kinh phí 3 tỷ đồng từ Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các công trình góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường, giảm bệnh tật và tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

2-ong-ro-cham-laoh-chu-tich-ubnd-xa-ia-phi-bia-phai-kiem-tra-cong-trinh-nuoc-sach-tai-lang-roi-lenam.jpg
Ông Rơ Châm Laoh-Chủ tịch UBND xã Ia Phí (bìa phải) kiểm tra công trình nước sạch tại làng Rồi. Ảnh: L.N

Ngoài thực hiện Dự án “Giếng sạch trao buôn” với 12 giếng khoan tại 2 xã Ia Phí và Đăk Tơ Ver, Hội CTĐ huyện Chư Păh còn phối hợp với các đơn vị đầu tư 5 giếng đào (4 giếng tại xã Ia Khươl, 1 giếng tại xã Ia Phí) với mức kinh phí 35 triệu đồng/giếng; hỗ trợ khoan 1 giếng nước tại xã Nghĩa Hưng với kinh phí 57 triệu đồng.

Sau khi bàn giao các công trình, Hội còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về sử dụng nước sạch, bảo quản các công trình và sử dụng nước tiết kiệm.

Bà Đinh Thị Phương-Chủ tịch Hội CTĐ huyện Chư Păh-cho biết: Sau khi tiếp nhận văn bản của Hội CTĐ tỉnh, Hội phối hợp với UBND 2 xã tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm khoan giếng. Đồng thời, thống nhất nội dung về cách thức quản lý, vận hành, bảo quản giếng khoan khi bàn giao lại cho địa phương quản lý.

Đến nay, các giếng khoan, giếng đào đã đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể bạn quan tâm