Đô thị

Nhịp sống Đô thị

90% môi giới bất động sản hoạt động không có chứng chỉ hành nghề?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong khi đội ngũ môi giới bất động sản ngày càng đóng góp vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường, thế nhưng các hoạt động của môi giới này vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Số ít môi giới đủ điều kiện hành nghề
Phát biểu tại Hội thảo "Vai trò hoạt động môi giới trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam" tổ chức sáng nay tại Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, môi giới bất động sản là ngành nghề đóng vai trò quan trọng. Hoạt động ngành nghề bất động sản đã được quy định chặt chẽ trong Luật Kinh doanh bất động sản.
"Trong thời gian vừa qua có thể thấy hoạt động môi giới bất động sản đã lớn mạnh về cả số lượng và đã đạt được kết quả tích cực. Về thể chế pháp luật, Luật kinh doanh bất động sản và các văn bản liên quan là cơ sở pháp luật quan trọng để hoạt động môi giới bất động sản ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng, phương thức hoạt động", ông Ninh nói.
Hội thảo
Hội thảo "Vai trò hoạt động môi giới trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam" nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Môi giới bất động sản 2020.
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tại Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập, nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ nghề, chiếm khoảng khoảng 10% - một tỷ lệ rất thấp.
Ðội ngũ môi giới chủ yếu tập trung ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP. HCM. Riêng đội ngũ môi giới ở Hà Nội chỉ có khoảng 50% là nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn giao dịch. Phần còn lại hầu hết là nghiệp dư, trong đó có những người "tay ngang" chuyển nghề, khi thị trường bất động sản tăng nóng, không được đào tạo, không được kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên mua và bên bán.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cho biết, theo kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng, có đến hơn 80% nhân viên môi giới trả lời không tham gia hoặc chỉ tham gia một khóa đào tạo cho nhân viên nhưng các hình thức đào tạo chủ yếu vẫn là những nhân viên trong công ty truyền lại kinh nghiệm cho nhân viên mới.
Cũng theo TS. Trần Hữu Hà, một số người hành nghề môi giới bất động sản yếu về chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức, các quy định quản lý. Một số lượng không nhỏ các sản phẩm được môi giới bất động sản chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý bất động sản, quy hoạch...
Môi giới thành "con bài" cho sàn giao dịch bất động sản
Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, điều kiện hành nghề môi giới bất động sản được quy định kèm theo những quy định và chế tài cụ thể. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Nếu cá nhân kinh doanh độc lập thì phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, có đăng ký mã số thuế và nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Điều 58 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; Tẩy xóa, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản…
90% nhân viên môi giới bất động sản hoạt động chưa có chứng chỉ hành nghề. (ảnh minh hoạ)
90% nhân viên môi giới bất động sản hoạt động chưa có chứng chỉ hành nghề. (ảnh minh hoạ)
Theo TS. Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, hiện nay là các sàn giao dịch bất động sản khi tuyển nhân viên môi giới đều không đòi hỏi bằng cấp chuyên môn liên quan đến việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, mà chủ yếu chú trọng đến kinh nghiệm bán hàng.
"Hầu hết đội ngũ này đều thiếu những kiến thức cơ bản của một nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp như: Sự hiểu biết về pháp luật, các Luật liên quan, các điều khoản trong hợp đồng mua bán… Nguyên nhân một phần do hoạt động đào tạo cho người hành nghề chưa thật sự được quan tâm ở Việt Nam", ông Minh chia sẻ.
Cũng theo Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, trên thị trường chưa có thời điểm nào, lượng "cò đất" bùng nổ về số lượng và hoạt động sôi nổi như mấy năm gần đây. Chỉ cần một status trên trang facebook cá nhân, nhất là trong những hội nhóm mua bán nhà đất khi có nhu cầu mua, bán, thuê, cho thuê đất, nhà, mặt bằng, hàng trăm bình luận lập tức thi nhau "nhảy vào" mời chào, môi giới.
Nghiêm trọng hơn, hoạt động thiếu kiến thức và am hiểu quy định của pháp luật khiến không ít nhà môi giới bất động sản trở thành "con bài" cho các sàn giao dịch bất động sản ảo, lừa đảo lợi dụng.
Theo Trần Kháng (Dân Việt)
https://danviet.vn/90-moi-gioi-bat-dong-san-hoat-dong-khong-co-chung-chi-hanh-nghe-20200627134813942.htm

Có thể bạn quan tâm