Thời sự - Bình luận

Giải pháp phát triển giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày qua, giao thông khu vực nội thành TP HCM trở nên khá bức bối và liên tục ùn tắc.

Lưu thông không thuận lợi thì các mặt đời sống bị ảnh hưởng lớn.

Theo lý giải của cơ quan chức năng, nguyên nhân ùn tắc là do cận Tết lượng lưu thông hàng hóa lớn, cộng với việc tăng mức phạt vi phạm theo Nghị định 168 nên người dân có ý thức hơn, không dám chạy xe trên vỉa hè, rẽ phải khi đèn đỏ…

Thực ra, vấn đề bức bối về giao thông ở các thành phố lớn, nhất là TP HCM và Hà Nội, vốn diễn ra từ lâu. Những nguyên nhân được nêu như trên chỉ mang tính ngắn hạn và không phải căn cơ của vấn đề. Cốt lõi chính là tốc độ phát triển đô thị, dân số và kinh tế quá nhanh trong khi hạ tầng không theo kịp.

Dân số TP HCM năm 2000 chỉ vào khoảng 5 triệu người nhưng chỉ 20 năm sau tăng lên khoảng 13 triệu người, mật độ đường giao thông chỉ 2,44 km/km2 (thấp hơn từ 4-5 lần so với tiêu chuẩn). Hiện nay, TP HCM có hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu xe vãng lai. Trước áp lực này, vào khoảng 20 năm trước, thành phố tăng tốc phát triển xe buýt, với hy vọng sẽ đảm nhận được 20% vận tải hành khách công cộng. Thế nhưng, hệ thống này hiện chỉ đảm nhận chưa đến 10% và hằng ngày xe buýt cũng hòa chung dòng xe cộ ùn ứ trên đường.

Thời gian là tiền bạc. Lưu thông hàng hóa chậm thì chi phí cao và các nhà kinh doanh sẽ đẩy chi phí này đến người tiêu dùng. Còn đối với du lịch, lạc trôi giữa dòng xe cộ thì họ chỉ thích thú qua vài tấm ảnh, sau đó sẽ nản lòng.

Tuyến metro số 1 tại TP HCM vừa đưa vào hoạt động đáp ứng mong mỏi của người dân và mang lại kỳ vọng lớn cho loại phương tiện mang tính giải pháp đối với TP HCM. Hàng loạt tuyến metro khác đang được gấp rút xây dựng sẽ làm thay đổi toàn bộ tốc độ vận tải hành khách công cộng.

Quy hoạch phát triển TP HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tuần qua, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc định hình tương lai của TP HCM. Trong đó, vấn đề ùn tắc giao thông được tập trung đầu tư giải quyết bằng các giải pháp phát triển giao thông công cộng hiện đại, như mở rộng các tuyến metro, phát triển xe buýt nhanh (BRT) và các tuyến xe đạp công cộng. Đồng thời, các dự án cầu, đường cao tốc và kết nối liên vùng sẽ được triển khai để giảm tải giao thông cho các khu vực nội thành. Đặc biệt, 5 quận, huyện ngoại thành sẽ được phát triển thành 5 đô thị vệ tinh và dần hình thành 5 thành phố để dãn mật đô dân số và phát triển kinh tế - xã hội theo chiều rộng.

TP HCM đã có cơ chế đặc thù để quản lý và phát triển nhằm đảm nhiệm vai trò đầu tàu kinh tế của quốc gia. Giao thông là bài toán hóc búa của các đô thị phát triển nhanh nên trong tốc độ này cũng không cho phép lần lữa như những thập niên trước. Sự bừng dậy của hạ tầng giao thông tại TP HCM sẽ càng phát huy tác dụng khi kết nối với hệ thống đường cao tốc toàn vùng và xa hơn là tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Viễn cảnh này đang dần hiện thực để góp phần vận hành cho một giai đoạn phát triển mới.

Theo Duy Phương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm