Chính trị

Quốc phòng - An ninh

'Ác bá' trên núi Cheng Leng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không những là ác bá của những hộ nghèo, theo Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, Phạm Ngọc Tân còn là 'địa tặc' có tiếng.
Đi lại, chuyên chở nông sản trên con đường núi quanh co, lởm chởm đá nhưng vẫn phải nộp “thuế đường”, nông sản làm ra không được bán ra thị trường mà buộc phải bán rẻ gần một nửa. Đó là tình cảnh của những hộ dân sinh sống trên núi Cheng Leng, địa phận xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai trong nhiều năm nay.
Cuộc sống của người dân trên đỉnh núi Cheng Leng vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Cuộc sống của người dân trên đỉnh núi Cheng Leng vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Gia đình ông Brao, cùng 11 hộ dân khác ở các làng Dlâm, làng Chơk, làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã lập làng, làm nương rẫy trên đỉnh núi Cheng Leng, thuộc địa phận xã Hbông, huyện Chư Sê trên dưới chục năm. Ông Brao cho biết, cùng với nghèo khổ và thiếu thốn đủ thứ, bà con còn bị o ép buộc phải bán rẻ nông sản từ năm 2016 tới nay.
Mỗi năm, ông Brao thu hoạch được hơn 3 tấn sắn khô. Nếu chở xuống thị trấn Phú Thiện bán, ông thu về hơn chục triệu. Nhưng ông bị Phạm Ngọc Tân (SN 1981, trú tại làng Tăng, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện) ép bán rẻ nên chỉ thu về già nửa số tiền này.
“Nó đến cân rồi mang về thôi. Giá thị trường 4.000 đồng/1kg, nó chỉ trả mình 2.000-3.000đồng/1kg. Bà con không dám đánh nhau, vì sợ bị đi tù, nên chấp nhận vậy thôi”, ông Brao cho biết.
Anh Rơ Lah Don, một người dân có cùng hoàn cảnh với ông Brao cho biết, sở dĩ bà con tại đây bị ép giá là vì một mặt Tân chặn đánh những thương lái lên mua nông sản, mặt khác uy hiếp, phạt tiền những người chở thuê nông sản xuống núi. Chính anh Don cũng từng bị hành hung và nộp phạt 1 triệu đồng.
“Hồi trước tôi chở sắn về làng, anh ta phạt, bóp cổ tôi. Lý do là tôi chở sắn cho bà con, không bán cho anh ta. Bà con ai cũng sợ nên phải nộp hết”, anh Don chia sẻ.
Đất mà Phạm Ngọc Tân xâm canh trong lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ AyunPa.
Đất mà Phạm Ngọc Tân xâm canh trong lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ AyunPa.
Theo anh Này Bhin, bất kỳ ai dùng công nông chuyên chở trên con đường độc đạo lên xuống núi cũng phải nộp phí cho ông Tân. Có lần, anh Bhin chứng kiến ông Tân dùng xà beng đuổi đánh những người cắt lúa thuê bằng máy. Chính vì thế, dù từng bị Tân ép bán rẻ nông sản, thậm chí ngang nhiên lấy lúa tại ruộng, nhưng vì sợ hãi, anh Bhin không dám phản kháng. Ông Tân như một cường hào gieo rắc sợ hãi trên đỉnh núi Cheng Leng.
“Anh ta đi thu lúa của mình. Một mùa lấy 5 - 6 bao luôn. Mình đốt rơm trong rẫy của mình, anh ta cũng phạt luôn, muốn làm gì thì làm cái đó. Xe mình vào, họ thu tiền, mỗi xe 50.000 đồng. Đường này ngày xưa do bà con phá, anh ta lên đây làm, dùng máy đắp đường sơ sơ, thấy người ta đi qua, đi lại là anh ta thu tiền”, ông Bhin cho biết.
Đường độc đạo lên núi Cheng Leng là nơi Tân thu phí 50.000 đồng/lượt.
Đường độc đạo lên núi Cheng Leng là nơi Tân thu phí 50.000 đồng/lượt.
Sợ bị đánh, bị trả thù, hơn chục hộ dân với gần 70 nhân khẩu trên núi Cheng Leng đều phải cắn răng chịu cảnh bị chèn ép, hành hung, mất đi một phần hoa lợi. Tuyệt nhiên không ai dám nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Từ 2016 tới nay, số tiền người dân tại đây phải nộp khi lên xuống núi và thiệt hại vì bán rẻ hoa lợi là không hề nhỏ. Điều này có tính chất vi phạm pháp luật.
Không những là ác bá của những hộ nghèo, theo Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, Phạm Ngọc Tân còn là “địa tặc” có tiếng, xâm canh hàng chục hecta rừng phòng hộ. Tuy nhiên, có lẽ vì đường lên núi Cheng Leng quá khó khăn, thiếu vắng cơ quan bảo vệ pháp luật, nên đối tượng này vẫn tự do hoành hành./.
Nguyễn Thảo (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm