Mấy năm nay, nguồn thu nhập chính của gia đình bà Trần Thị Thúy (làng Plei Briêng, xã Ia Phang) là từ hoạt động chăn nuôi heo, dê. Khi thấy nhu cầu thị trường giảm sút, giá cả không thuận lợi, bà Thúy chủ động chuyển hướng sang đầu tư nuôi tằm. Bà cho biết: “Tôi tìm hiểu thì biết trên địa bàn huyện đang phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm, giá thu mua sản phẩm ổn định, khả năng quay vòng vốn nhanh. Có kinh nghiệm chăn nuôi, lại có vườn dâu nên tôi vay thêm vốn ngân hàng để làm nhà nuôi tằm. Khi tôi đặt vấn đề vay vốn để chuyển dịch mô hình chăn nuôi, cán bộ tín dụng Agribank Chư Pưh nhiệt tình hỗ trợ ngay”.
Hơn 20 năm qua, mỗi khi cần vốn để mở rộng, chuyển dịch mô hình sản xuất, ông Ksor Pek (làng Plei Briêng, xã Ia Phang) đều tìm đến “người bạn đồng hành” Agribank. Ông Pek bộc bạch: “Hồi trước, cha mẹ tôi dạy rằng mùa nắng trồng đậu, mùa mưa trồng bắp. Bây giờ, ngoài vườn hồ tiêu, cà phê, cao su ra thì tôi còn trồng thêm các loại cây ngắn ngày như: mì, bắp, khoai lang, đậu để có nguồn thu nhập quanh năm. Tôi tìm hiểu cây trồng, vật nuôi nào có khả năng phát triển, giá cả ổn định là mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư phát triển”.
Nhờ tư duy nhanh nhạy, chịu khó làm ăn nên ông Pek kết nối và hỗ trợ cho nhiều nông dân vay vốn phát triển sản xuất, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi hiệu quả.
Cán bộ tín dụng Agribank Chư Pưh bám sát địa bàn và hỗ trợ nông dân trong việc vay vốn để phát triển sản xuất. Ảnh: Sơn Ca |
Khả năng hấp thu vốn của nông dân đến đâu, nguồn vốn Agribank sẵn sàng đáp ứng đến đó. Với vai trò người bạn đồng hành của nông dân, đội ngũ cán bộ, nhân viên Agribank Chư Pưh luôn bám sát địa bàn, chia sẻ và hỗ trợ kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho bà con. Từ thực tế các năm qua, ông Trần Quốc Việt-Phó Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh (Agribank Chư Pưh) cho biết: “Xã Ia Phang là địa bàn hấp thu vốn tín dụng rất tốt, đến thời điểm này dư nợ khoảng 55 tỷ đồng. Song song với nguồn vốn tự có, bà con vay vốn phù hợp với điều kiện, khả năng phát triển sản xuất nên dù món vay nhỏ nhưng hiệu quả phát huy tối đa. Ngoài các cây trồng chủ lực, người dân đang từng bước chuyển dịch sang trồng nhãn, sầu riêng, nuôi tằm... để tăng thu nhập, ổn định đời sống”.
Nói về vai trò của nguồn vốn tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn, ông Trần Hoàng-Chủ tịch UBND xã Ia Phang-thông tin: “Hàng năm, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và phối hợp với các ngân hàng, trong đó có Agribank Chư Pưh tập trung hỗ trợ nguồn vốn cho người dân phát triển sản xuất. Theo ghi nhận, người dân một số thôn, làng phát triển kinh tế khá tốt, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo các chương trình, nghị quyết của huyện nhà”.
Tính đến nay, tổng dư nợ tín dụng của Agribank Chư Pưh đạt 390 tỷ đồng. 100% nguồn vốn tín dụng được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ông Trần Trọng Bình-Phó Giám đốc Agribank Chư Pưh-cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục bám sát kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế của địa phương nhằm hướng nguồn vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đáp ứng tốt nhu cầu vốn nhỏ lẻ của cá nhân, hộ gia đình trong chuyển dịch mô hình kinh tế. Thông qua đó, giữ vững vai trò chủ lực, chủ đạo của nguồn vốn Agribank tại địa bàn nông thôn”.