Thể thao

Thể thao cộng đồng

Ai bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ Than Quảng Ninh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chẳng có gì đảm bảo chắc chắn, rằng cầu thủ Than Quảng Ninh sẽ được trả hết tiền nợ. Và trong câu chuyện nợ nần suốt thời gian qua, có một câu hỏi đặt ra: Ai sẽ đứng ra đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho họ?

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh hứa sang tuần sẽ giải ngân và trả lương cho các cầu thủ. Ảnh: VPF
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh hứa sang tuần sẽ giải ngân và trả lương cho các cầu thủ. Ảnh: VPF
Sự bất lực và đơn độc của cầu thủ Than Quảng Ninh
Chủ tịch Phạm Thanh Hùng và Than Quảng Ninh may mắn. May là bởi ông bầu này từng đãi ngộ tốt, chơi đẹp và lấy cả tấm chân tình đối đãi với cầu thủ, nên giờ đây khi rơi vào cảnh khốn khó, họ không làm những điều khiến ông “tổn thương”. Tiền lót tay nợ, tiền thưởng nợ và lương 8 tháng không có, thế nhưng tất cả mới dừng lại ở chuyện cầu thủ phản ứng bằng cách lên khán đài trong một buổi tập... để đánh động, để yêu cầu ý kiến từ phía lãnh đạo đội bóng, lãnh đạo tỉnh. Đáng tôn trọng hơn, từ mùa giải năm ngoái đến mùa này, cầu thủ Than Quảng Ninh vẫn thể hiện sự chuyên nghiệp, ra sân là thi đấu hết mình và luôn có mặt trong nhóm dẫn đầu.
“Nợ lương 8 tháng là điều bất thường. Không có tiền thì lấy gì để cầu thủ nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình. Việc đội bóng không trả lương khiến cầu thủ bức xúc và dừng tập luyện là cái dở của Than Quảng Ninh. Phản ứng như thế cũng không thể nào trách cầu thủ được.
Tôi nghĩ trong việc này Than Quảng Ninh phải có những giải quyết sớm thôi chứ không thể để tình trạng này kéo dài mãi được. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần cầu thủ, việc thi đấu cũng như uy tín của giải đấu”, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải nói.
Sự đồng cảm của cổ động viên, của gia đình hay của những chuyên gia bóng đá, đồng nghiệp là thứ gần như duy nhất đồng hành với cầu thủ đất Mỏ. Rất nhiều tiếng “khóc”, không phải mới đây mà từ mùa giải trước, thế nhưng mọi chuyện vẫn thế. Ngần ấy thời gian, ngần ấy tiền khó lòng được giải quyết nếu không có những động thái mạnh tay. Nhưng cầu thủ Than Quảng Ninh cũng ở trong một sự mâu thuẫn. Họ có quyền đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi và từ chối thi đấu theo luật. Tuy nhiên, vì cái tình và cả cái thế, những Hải Huy, Hồng Quân, Xuân Tú... không thể và cũng chưa dám làm vậy.
“Đá hay không đá, cố gắng hay không cố gắng thì vẫn cứ bị nợ tiền, thế thì lại cố thêm chút nữa vậy. Để lỡ có chuyện gì thì còn có chỗ nhận mình về thi đấu, bù lại thời gian vừa qua...”. Đó là suy nghĩ của không ít cầu thủ Than Quảng Ninh thời gian qua.
Đã đến lúc bóng đá Việt cần thành lập Hiệp hội cầu thủ
Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải chia sẻ: “Chẳng có cơ quan nào ngoài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF phải có ý kiến bảo vệ cầu thủ trước. Việc này ảnh hưởng đến quyền lợi và cuộc sống của cầu thủ thì chắc chắn phải có ý kiến, hành động để thay đổi”.
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế bản thân VFF cũng rất khó có thể đi… “đòi nợ” cho các cầu thủ. Ví như câu chuyện kiện tụng mới đây của Thanh Hoá, họ thay đổi chủ sở hữu, thay đổi công ty, thay đổi toàn bộ mã số thuế. Khi phán quyết của FIFA được đưa ra, người ta mới vỡ lẽ chẳng có ai đứng ra nộp phạt ngoài chính Liên đoàn Bóng đá Thanh Hoá. Nhưng đó là tỉnh Thanh Hoá vẫn khát khao làm bóng đá, họ chấp nhận bằng cách này hay cách khác để hoàn thành nghĩa vụ với cầu thủ. Nhưng cũng có rất nhiều câu chuyện cầu thủ “ngậm đắng, nuốt cay” khi các đội bóng chẳng còn gì để mất, khi đó sự can thiệp của VFF trở nên vô nghĩa. Cầu thủ ra đi nhưng chưa chắc đã đòi được tiền.
Trên thế giới, Hiệp hội cầu thủ là tổ chức xã hội nghề nghiệp được lập ra để đại diện, bảo vệ quyền lợi cho các cầu thủ. Nổi bật nhất có lẽ là Hiệp hội cầu thủ Anh, một tổ chức lâu đời bậc nhất và bị nhiều câu lạc bộ ghét nhất vì hay lên tiếng… đòi quyền lợi cho cầu thủ. Nhưng ở Việt Nam, câu chuyện về một tổ chức đứng lên bảo vệ cầu thủ xem chừng vẫn là một giấc mơ xa vời và khó thành hiện thực.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Mạnh Hải ưu tư: “Gần 10 năm tôi ấp ủ việc thành lập Hiệp hội cầu thủ, kể cả khi đã về hưu. Tôi vẫn còn giữ những bộ hồ sơ, tham khảo từ các chuyên gia, luật sư nước ngoài.
Trước kia tôi đã từng xin thành lập Hiệp hội cựu cầu thủ bóng đá của thủ đô Hà Nội thì cũng bị cản trở và không cho phép. Lý do họ không muốn thành lập Hiệp hội cầu thủ là do họ sợ phức tạp, sợ tổ chức ấy sẽ có những ý kiến phản biện.
Chính vì thế, rất nhiều lần tôi xin thành lập, suốt từ năm 2009 đến 2013-2014 thì mới dừng lại vì tôi không thể nào theo được. Các cơ quan chức năng như Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ đều đã cho phép và ủng hộ nhưng đến khi gần hoàn thiện rồi thì lại có công văn của sở báo phải có sự đồng ý của ngành Thể thao ở địa phương. Thế nhưng lãnh đạo, người phụ trách bóng đá lúc đó không đồng ý, thế là thôi”.
Thế rồi cuối cùng, ai là người đi đòi quyền lợi cho các cầu thủ? Câu trả lời là chẳng có ai cả. Cổ động viên đội bóng có yêu cầu thủ đến mấy cũng không thể làm công việc ấy. Không ai hướng dẫn các cầu thủ cả, ngay cả những luật sư, bởi họ không thể hiểu hết về những ngóc ngách, đặc thù trong bóng đá. Và với môi trường bóng đá Việt Nam, việc phải nhờ đến pháp lý can thiệp là điều “cực chẳng đã” và khi đã phải ra tòa hay kiện cáo thì cầu thủ luôn thiệt, mất nhiều nhất.
“Tôi nghĩ rất thiệt thòi cho cầu thủ và cần phải có tổ chức Hiệp hội có ý kiến để bảo vệ cầu thủ, cựu cầu thủ. Tôi không cần xin kinh phí vì chúng tôi có thể tự tạo kinh phí” - cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải đặt ra vấn đề.
AN NGUYÊN (LĐO)
https://laodong.vn/the-thao/ai-bao-ve-quyen-loi-cho-cau-thu-than-quang-ninh-895730.ldo

Có thể bạn quan tâm