Ngay từ khi thành lập vào tháng 5-2019, Liên đoàn Bóng bàn tỉnh đã định hướng nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo VĐV trẻ. Và chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ từ các CLB thành viên của Liên đoàn. Từ đó, đội tuyển năng khiếu ra đời với 16 thành viên ở lứa tuổi 10-11.
Các em được hỗ trợ sân bãi luyện tập, huấn luyện viên, trang phục thi đấu… và được tạo cơ hội cọ xát ở nhiều giải đấu trong và ngoài tỉnh. Sau đó, Liên đoàn đã tuyển bổ sung thêm 2 khóa vào năm 2021 và 2023 với các em có năng khiếu, đam mê bóng bàn từ 9 đến 10 tuổi. Qua quá trình sàng lọc với những lý do chủ quan và khách quan, đội tuyển năng khiếu bóng bàn Gia Lai hiện có 18 thành viên.
Ông Phạm Quốc Toàn-Thư ký Liên đoàn Bóng bàn tỉnh kiêm huấn luyện viên đội năng khiếu-cho hay: Liên đoàn Bóng bàn tỉnh được xem là “sinh sau đẻ muộn”. Bóng bàn cũng không được đưa vào chương trình đào tạo thể thao thành tích cao của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Do đó, khi nhìn xa về định hướng phát triển phong trào, Liên đoàn nhận thấy cần thiết phải chú trọng khâu đào tạo trẻ nhằm tạo nguồn VĐV kế cận với kỳ vọng các em sẽ trở thành “hạt nhân” tương lai.
Tuy nhiên, quá trình đào tạo gặp không ít khó khăn, nhất là đối với VĐV nữ do không đảm bảo thể lực để theo đuổi cường độ cao, trong khi các huấn luyện viên chưa được trang bị kỹ năng, giáo án dành riêng cho đối tượng này. Bên cạnh đó, các VĐV đều là học sinh phải theo đuổi chương trình học khá nặng nên 1 tuần chỉ tập luyện 2 buổi. Trước mỗi giải đấu, các em tập khoảng 3-4 buổi. Vì lịch học chồng chéo nên các VĐV rất khó tập trung cùng nhau để tập luyện nội dung đôi.
“Chúng tôi vẫn cố gắng mài giũa, giữ lửa đam mê cho các em. Vào dịp hè, các em được tập luyện hầu hết các ngày trong tuần. Liên đoàn cũng tổ chức một số giải đấu để các em có cơ hội cọ xát và thi đấu ở ngoài tỉnh. Những em xuất sắc được gửi đi tập chung với đội tuyển bóng bàn của TP. Đà Nẵng. Các em đạt thành tích tốt được Liên đoàn khen thưởng, động viên kịp thời”-ông Toàn chia sẻ.
Sau 5 năm bắt tay đào tạo trẻ, Liên đoàn Bóng bàn tỉnh đã thu về “trái ngọt” khi những học viên đầu tiên của đội tuyển năng khiếu dần khẳng định được vị trí trong làng bóng bàn tỉnh nhà. Năm 2024, lần đầu tiên các VĐV Gia Lai đủ điều kiện để tham gia Giải Bóng bàn trẻ thiếu niên-nhi đồng quốc gia. Trong đó nổi lên các VĐV Trần Minh Quý, Tạ Ngọc Ân… đang nằm trong tốp đầu các tay vợt nam tại Gia Lai và xếp vào trình E của quốc gia. Trong đó, Trần Minh Quý từng giành huy chương vàng ở Giải Bóng bàn TP. Pleiku năm 2024, huy chương vàng Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh năm 2023, huy chương đồng ở Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024…
Em Trần Minh Quý bày tỏ: “Từ khi vào đội tuyển, em được tạo điều kiện tập luyện và thi đấu khá nhiều giải. Dù phải học văn hóa nhưng em vẫn cố gắng thu xếp thời gian để ra sân tập. Em cố gắng năm tới sẽ thi vào ngành Thể dục thể thao chuyên sâu bóng bàn để sau này có thể theo con đường chuyên nghiệp”.
Theo ông Toàn, không chỉ riêng Liên đoàn, các CLB bóng bàn trên địa bàn tỉnh cũng đã tập trung huấn luyện cho lứa tuổi thanh-thiếu niên. Một số địa phương phát triển mạnh như: TP. Pleiku, thị xã An Khê, huyện Chư Prông… hay một số trường như THPT chuyên Hùng Vương, THPT Lê Lợi, THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku)…
Câu lạc bộ Thanh Hoàng (TP. Pleiku) hiện có khoảng 10 em học sinh tập luyện thường xuyên. Đi vào hoạt động từ 4 năm nay, CLB xác định đào tạo các tay vợt trẻ là mục tiêu hàng đầu. Nhiều tay vợt xuất thân từ CLB đã mang về thành tích cao cho tỉnh nhà. Trong đó nổi bật là em Trần Đỗ Quốc Huy (lớp 8, Trường THCS Tôn Đức Thắng) đã giành được huy chương bạc tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024. 3 em học sinh tại CLB cũng giành 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc ở Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh năm 2023.
Anh Phạm Văn Khiêm-Chủ nhiệm CLB-cho biết: “Đây là môn thể thao đòi hỏi chuyên môn cao nên khá kén người chơi. Tôi mong bóng bàn được đưa vào học đường, từ đó thu hút học sinh tham gia để có nguồn VĐV kế cận dồi dào hơn”.