Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, từ 30.7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế cho các trường hợp xét nghiệm Covid-19.
Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm Covid-19 của những người có chỉ định của cơ quan y tế, sẽ được chi trả BHYT -Ảnh: Đậu Tiến Đạt |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 4051 ngày 30.7 gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về việc thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19. Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP tạm thời thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19 đối với người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trong trường hợp: người phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế; người nhiễm Covid-19 đang khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế và các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2.
Hai mức thanh toán
Về mức giá thanh toán, BHXH áp dụng quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 13 năm 2019 của Bộ Y tế. Cụ thể, dịch vụ số 1735 xét nghiệm vi khuẩn, vi rút, vi nấm, ký sinh trùng Real-time PCR là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm đối với trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR. Dịch vụ số 1736 xét nghiệm vi khuẩn, vi rút, vi nấm, ký sinh trùng test nhanh là 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm đối với trường hợp thực hiện test nhanh.
Duy Tính |
Để thống nhất triển khai chi trả khi xét nghiệm Covid-19, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi BHXH các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân, đề nghị phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn thực hiện, kịp thời giám định và thanh toán chi phí xét nghiệm theo nội dung hướng dẫn tại Công văn số 4051 của Bộ Y tế.
Xét nghiệm lần đầu âm tính vẫn không thể chủ quan
Liên quan đến thời điểm xét nghiệm để cho kết quả chính xác, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, lưu ý: “Xét nghiệm sớm âm tính, xin đừng chủ quan”, đồng thời giải thích thêm: “Thực ra, nếu chưa cách ly đủ 14 ngày thì có kết quả âm tính vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn. Lý do là vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, âm thầm nhân lên đến ngưỡng nhất định thì mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng”.
Theo bác sĩ Cấp, quá trình âm thầm nhân lên của vi rút gọi là “thời gian ủ bệnh”. Trong thời gian này do vi rút chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có vi rút. Do đó, những người này vẫn có thể trở thành dương tính những ngày sau đó. Thời gian ủ bệnh của hầu hết các bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ có thể dài hơn.
“Bởi vậy, nếu một người đi qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh, thì việc tự cách ly và theo dõi trong 14 ngày mới là điều cơ bản mấu chốt. Chỉ ưu tiên xét nghiệm cho những người có triệu chứng hô hấp nhằm phát hiện các ca bệnh để điều trị kịp thời”, BS Cấp lưu ý.
Bác sĩ Cấp chia sẻ thêm: “Việc xét nghiệm sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng có rất ít giá trị. Thậm chí điều này có hại nếu người sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính nghĩ rằng mình không bị bệnh và chủ quan, tự phá vỡ các quy tắc cách ly. Khi đó họ có thể trở thành nguồn lây cho cộng đồng nếu những ngày sau đó trở thành dương tính”.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Cấp, những người từng đi qua vùng có dịch Covid-19 hay tiếp xúc gần với người nghi có bệnh, không nhất thiết xét nghiệm ngay. Trước tiên, cần thông báo cho y tế địa phương để vào danh sách giám sát và được hướng dẫn tự cách ly trong 14 ngày. Trong vòng 14 ngày cách ly, cần thông báo lại cho cơ quan y tế bất cứ lúc nào có biểu hiện nghi mắc Covid-19 như sốt, ho, đau họng, tiêu chảy… để xét nghiệm sớm. Còn những trường hợp khác sẽ xét nghiệm vào ngày thứ 13 - 14 để khẳng định chính xác, giúp mỗi người bảo vệ sức khỏe cho bản thân và tránh lây cho cộng đồng.
Theo Liên Châu (thanhnien)