Xã hội

Ấm áp nghĩa tình đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hay tin 12 bộ hài cốt liệt sĩ vừa được tìm thấy trong một hang đá ở xã Ia Kreng (huyện Chư Păh), chúng tôi vượt chặng đường dài gần 80 km từ Pleiku đến nơi để tìm hiểu về câu chuyện này.
Dưới chân núi Chư Pah đầy sương, Trung tá Võ Quân-Phó Đội trưởng Đội Quy tập mộ liệt sĩ thuộc Quân đoàn 3, người đã có 3 năm liền làm công việc này, cho biết: Chiến trường Tây Nguyên là nơi nhiều cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn đã ngã xuống trước năm 1975. Tại Gia Lai, huyện Chư Păh được xác định là địa bàn trọng điểm trong kế hoạch tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hàng năm của đơn vị.
Theo Trung tá Võ Quân, lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của Quân đoàn 3 gồm 10 cán bộ, chiến sĩ. Tùy địa hình, anh em có thể đóng quân luôn tại hiện trường hoặc ở nhờ nhà dân, công sở… Tại điểm cao Chư Pah (thuộc xã Ia Kreng), đội đã dành nhiều ngày để khảo sát các hang đá trên núi, vì theo các tài liệu của cả ta và địch, đây là nơi lực lượng của ta chịu nhiều tổn thất, nhất là trong trận chiến năm 1969. Tuy nhiên, tài liệu không ghi tọa độ chính xác nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn, chủ yếu phải dựa vào thông tin do người dân cung cấp.
Cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng trước bàn thờ các liệt sĩ mới được tìm thấy tại xã Ia Kreng. Ảnh: N.Q.T
Cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng trước bàn thờ các liệt sĩ mới được tìm thấy tại xã Ia Kreng. Ảnh: N.Q.T
Cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng quê ở xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho biết: Ông tham gia quân đội từ năm 1968. Suốt từ đó đến ngày hòa bình, ông thuộc biên chế của Tiểu đoàn Đặc công 20, Trung đoàn 198, Sư đoàn 320C. Từng chiến đấu, bị thương tại Gia Lai, ông Tùng nói sẽ rất khó để quên những kỷ niệm của một thời trai trẻ, khi vác B41 tập kích Căn cứ 41, 42 (huyện Chư Păh) hay điểm cao 664 (huyện Ia Grai), kho xăng, kho đạn của địch ở Pleiku... Bởi trong những trận đánh sinh tử đó, nhiều đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại. Vì thế, sau khi rời quân ngũ, từ năm 1994 đến nay, ông quyết định trở lại Gia Lai thường xuyên hơn để cùng các đơn vị, bộ phận chức năng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Nhắc lại lần tìm thấy hài cốt người bạn thân thời niên thiếu Phạm Văn Tiến hay liệt sĩ Nguyễn Văn Oai, ông Tùng không nén được xúc động. Ông tâm sự: “Mình may mắn còn sống, nhưng bao gia đình đồng đội đến nay vẫn không biết con em họ đã hy sinh ở đâu, xương cốt đang nơi nào. Đó chính là động lực thôi thúc tôi trở lại vùng đất này, tiếp tục cùng các đồng đội trẻ leo đèo, vượt suối bất chấp tuổi tác, tìm kiếm từng mẩu xương của những người đã khuất”.
Chúng tôi đứng lặng trước bàn thờ mới được lập trong khuôn viên UBND xã Ia Kreng. Trên đó, những bộ hài cốt được đặt trong các tiểu sành phủ quốc kỳ đỏ thắm, nằm lặng lẽ giữa nghi ngút khói hương. Chưa thể biết chính xác danh tính, đơn vị, thời gian và hoàn cảnh hy sinh của từng liệt sĩ, nhưng việc tìm thấy một phần thân thể, vật dụng của những người đã mất cũng khiến các đồng đội trẻ ấm lòng.
Theo những người trong cuộc, việc tìm được 12 hài cốt liệt sĩ tại Ia Kreng lần này là một sự may mắn. Sau nhiều ngày tìm kiếm không thành, nhờ người dân chỉ đường, đội quy tập đã tìm được hang đá nơi những người lính dũng cảm trút hơi thở cuối cùng bên nhau. Nhiều chục năm đã trôi qua, các bộ hài cốt không còn đầy đủ. Tuy vậy, các mẩu xương răng, hàm và đặc biệt là các vật dụng quen thuộc của bộ đội ta trong giai đoạn này còn sót lại đủ cho phép những người làm công tác tìm kiếm khẳng định đây là đồng đội của mình.
Các di vật của liệt sĩ được tìm thấy trong hang đá. Ảnh Võ Quân
Các di vật của liệt sĩ được tìm thấy trong hang đá. Ảnh: Võ Quân
Trung tá Võ Quân xúc động cho chúng tôi xem những hình ảnh mà anh đã chụp trên thực địa mấy ngày qua. Tất cả đều lặng đi khi dễ dàng nhận ra bên cạnh nhiều vốc đất đen là những chiếc nút áo, mảnh tăng, võng, cây bút bi, bàn chải và kem đánh răng, khóa thắt lưng, khuy dây súng, thìa muỗng tự tạo từ mảnh pháo sáng, đặc biệt có cả một nắp nhựa tròn in nổi dòng chữ PIN VĂN ĐIỂN-VIỆT NAM…
Chia tay chúng tôi, Trung tá Võ Quân nói: “Chiến tranh đã lùi xa khá lâu, nhưng hài cốt của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 trên đất Gia Lai chưa được tìm thấy vẫn còn nhiều. Thời tiết mùa mưa và nhất là cảnh quan môi trường, địa hình thay đổi nhiều so với trước chính là những khó khăn lớn cho hoạt động này. Tuy vậy, chúng tôi luôn chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm hàng năm và hy vọng sẽ được gặp thêm nhiều hài cốt liệt sĩ nữa”.
Ngày 15-7, UBND huyện Chư Păh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lễ viếng, truy điệu các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của huyện. Theo đó, lễ cầu siêu bắt đầu từ 9 giờ; lễ viếng và truy điệu từ 14 giờ. Sau đó, 12 bộ hài cốt sẽ được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm