Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Ấm áp tình đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 2 tháng được sống và rèn luyện trong môi trường quân ngũ, 100 tân binh nhập ngũ đợt I-2014 về Trung đoàn Bộ binh 991 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã có bước trưởng thành. Từ những con người hoàn toàn xa lạ, đến từ nhiều địa phương khác nhau, giờ đây, họ đã thật sự gắn bó và coi đơn vị là ngôi nhà chung.

“Đơn vị là nhà…”

 

Phương Dung
Ảnh: Phương Dung

Hầu hết những tân binh khi bước vào môi trường quân ngũ, họ đều cảm thấy mới mẻ, lạ lẫm và bỡ ngỡ. Vì vậy, giúp chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập, an tâm tư tưởng, gắn bó với đơn vị luôn là mối quan tâm hàng đầu của Trung đoàn mỗi khi đón nhận chiến sĩ mới. Đại úy Nguyễn Ngọc Thiên-Chính trị viên Đại đội 5, đại đội được giao nhiệm vụ quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới, cho biết: Ngay từ những ngày đầu, đơn vị đã tiến hành nắm chắc về lý lịch trích ngang của từng chiến sĩ, sau đó phân loại hoàn cảnh, nhận thức và phân công cho từng cán bộ tiểu đội, trung đội quản lý. Riêng với những chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cán bộ tiểu đội, trung đội thường xuyên gặp gỡ, động viên, đồng thời đơn vị cũng tâm sự, trao đổi với gia đình, tạo điều kiện để gia đình lên thăm hỏi, động viên để chiến sĩ an tâm tư tưởng.

Bên cạnh đó, thông qua các buổi sinh hoạt hàng ngày, cán bộ luôn thể hiện sự mẫu mực trong lời nói, hành động; trong hoạt động tổ 3 người, cán bộ tiểu đội, trung đội thường xuyên trò chuyện, tham gia các hoạt động vui chơi ca hát, thể thao cùng chiến sĩ, tạo sự gần gũi, gắn bó… kịp thời nắm bắt những diễn biến tư tưởng, tình cảm và có hướng động viên, giúp đỡ. Mặt khác, thông qua các hoạt động như: tự giới thiệu bản thân, tổ 3 người, giao lưu văn hóa-văn nghệ-thể thao, 2 ngày nghỉ cuối tuần, tham gia các trò chơi quân sự… cũng góp phần giáo dục tư tưởng, tạo sân chơi lành mạnh để chiến sĩ có dịp gần gũi, trò chuyện với nhau và vơi bớt nỗi nhớ nhà.

 

Cũng theo Đại úy Nguyễn Ngọc Thiên, đơn vị còn phát huy tốt hoạt động của tổ “tâm lý pháp lý quân nhân” và tổ “chiến sĩ bảo vệ”. Riêng tổ “chiến sĩ bảo vệ” do cấp ủy viên làm tổ trưởng, thành viên là các chiến sĩ-mỗi tiểu đội có một chiến sĩ-được lựa chọn từ những người có trình độ nhận thức để nắm bắt những tình hình nảy sinh trong tiểu đội, như: biểu hiện vi phạm kỷ luật, dao động về tư tưởng… phản ánh kịp thời lên tổ. Trên cơ sở đó, cấp ủy viên sẽ bàn bạc trong Ban Chỉ huy và giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh. Đại úy Thiên cho biết thêm, trong số 100 chiến sĩ mới nhập ngũ đợt I, có 9 đồng chí đã lập gia đình. Với những chiến sĩ này, Ban Chỉ huy Đại đội đã tổ chức gặp gỡ, động viên và nhờ gia đình hỗ trợ thêm nên chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả các chiến sĩ đều đã yên tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ. Hiện tại, các chiến sĩ đều coi đại đội chính là ngôi nhà chung của mình, ngoài giờ học tập, huấn luyện, các chiến sĩ đều dành thời gian chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, tăng gia sản xuất…

“Đồng chí, đồng đội là anh em”

 

Các chiến sĩ cùng nhau tăng gia sản xuất. Ảnh: Phương Dung
Các chiến sĩ cùng nhau tăng gia sản xuất. Ảnh: Phương Dung

Được tận mắt chứng kiến câu chuyện giữa Trung đội trưởng Trung đội 14-Trung úy Rah Lan Nhin với chiến sĩ của mình, mới thấy câu nói “Đơn vị là nhà, đồng chí đồng đội là anh em” thật đúng. Với chiến sĩ mới, Trung úy Nhin luôn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ, bảo ban như một người anh cả đối với những đứa em. Trung đội của Nhin có 23 chiến sĩ là người dân tộc thiểu số nên trong các giờ giải lao, anh thường xuyên trò chuyện với chiến sĩ bằng chính thứ tiếng mẹ đẻ của mình. Nhờ vậy, chiến sĩ lắng nghe và nhanh chóng trải lòng. Trung úy Nhin kể: Những ngày đầu mới nhập ngũ, tôi thấy chiến sĩ Rah Lan Hùng có những biểu hiện chưa thật sự yên tâm, gắn bó với đơn vị. Sau khi gặp gỡ mới biết Hùng lo lắng vì bố đã già yếu, mẹ lại bị bệnh tiểu đường… Sau khi nghe xong câu chuyện, tôi đã động viên và giải thích cho em hiểu. Giờ đây, Hùng đã được đơn vị cử đi học lớp đối tượng kết nạp Đảng.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người một tính cách, nhưng khi cùng sống chung trong một mái nhà, họ đã rèn được cho mình tính nhường nhịn, đoàn kết, yêu thương và sẻ chia cùng nhau. Để rồi, mỗi khi một chiến sĩ trong tiểu đội có chuyện vui-buồn, mọi người đều cùng san sẻ, động viên như chính chuyện của mình. Tình cảm ấy đã giúp những người lính trẻ ngày càng yêu và gắn bó hơn với môi trường mình đang sống. Đã tốt nghiệp Trường Đại học Quang Trung (TP. Quy Nhơn), chiến sĩ Phạm Hữu Thọ-Tiểu đội 1, Trung đội 13, tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Sau một thời gian học tập, rèn luyện trong quân đội, Thọ lại càng thêm yêu cuộc sống người lính, bởi ở đó không chỉ có tính kỷ luật “thép” mà còn có sự đoàn kết, giúp đỡ, yêu thương. Mặc dù, đôi lúc cũng có lúc xảy ra những xích mích, mâu thuẫn nhỏ, nhưng mọi việc đều được giải quyết nhanh chóng bằng chính sự nhường nhịn, yêu thương ấy. Còn chiến sĩ Siu Thô (Tiểu đội 3, Trung đội 13) thì cho rằng, cuộc sống quân ngũ đã cho mình những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ, trong đó nhớ nhất là đêm sinh nhật đồng đội. Siu Thô chia sẻ: “Cuộc sống trong quân ngũ quả thật rất thú vị! Các anh cán bộ tiểu đội, trung đội luôn gần gũi, trò chuyện chứ không xa cách. Còn các chiến sĩ luôn vui vẻ, đối xử với nhau hòa đồng, thân ái”.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm