Kinh tế

Tài chính

Ảm đạm kinh tế châu Á

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổn thất kinh tế từ lệnh phong tỏa hiện hành ở vùng đô thị Manila và những khu vực khác của Philippines có thể lên đến 2,96 tỉ USD/tuần, cao hơn 43% so với ước tính trước đó.

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 đang làm gián đoạn kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường của chính phủ các nước. Những đợt bùng phát mới do Delta đã buộc các thành phố lớn của Trung Quốc, Úc, Philippines… quay lại trạng thái phong tỏa. Giới chức nhiều nước, đặc biệt là ở châu Á, phải tiếp tục ban bố các biện pháp hạn chế khắc nghiệt để bảo vệ người dân trong bối cảnh tỉ lệ tiêm phòng thấp do thiếu nguồn cung vắc-xin.

Các nền kinh tế đã chịu tổn thất khi những trung tâm sản xuất như Thái Lan chứng kiến chuỗi cung ứng của họ bị gián đoạn. Theo báo The Straits Times (Singapore), các nhà máy sản xuất hàng hóa cho các thương hiệu toàn cầu đang phải tạm ngưng hoạt động và nhiều khả năng bỏ lỡ mùa mua sắm trong dịp lễ quan trọng ở các thị trường lớn.

Giới chuyên gia khẳng định nếu hoạt động xuất khẩu bị trì trệ thêm nữa, tác động của Delta đối với các nền kinh tế châu Á có thể lan rộng ra toàn thế giới. "Làn sóng lây nhiễm hiện tại ở châu Á có thể làm gián đoạn hơn nữa các mạng lưới sản xuất, kéo dài thương tổn đối với tăng trưởng kinh tế" - ông Frederic Neumann, một chuyên gia của Tập đoàn tài chính HSBC ở Hồng Kông, nhận xét.


 

Nhân viên an ninh kiểm tra sức khỏe của một người đàn ông tại một nhà ga ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 6-8Ảnh: REUTERS
Nhân viên an ninh kiểm tra sức khỏe của một người đàn ông tại một nhà ga ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 6-8. Ảnh: REUTERS


Tại Philippines, báo The Philippines Star cuối tuần rồi dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Xã hội Karl Chua cho biết tổn thất kinh tế từ lệnh phong tỏa hiện hành ở vùng đô thị Manila và những khu vực khác có thể lên đến 2,96 tỉ USD/tuần, cao hơn 43% so với ước tính trước đó. Nguyên nhân là ngày càng có nhiều khu vực bị phong tỏa để làm chậm tốc độ lây lan của Delta, Bộ trưởng Chua giải thích.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế Trung Quốc đang kêu gọi giới chức nước này điều chỉnh hướng tiếp cận "không khoan nhượng" với Covid-19, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia khác trong việc tái mở cửa biên giới. Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Y tế thuộc Trường ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) Liu Guoen, sẽ rất khó để quốc gia này đạt được tham vọng 0 ca nhiễm mới, đặc biệt là trước một biến thể lây lan nhanh chóng như Delta.

Ông Liu nhấn mạnh cần có các cuộc khảo nghiệm "nghiêm túc và mang tính hệ thống" để quyết định liệu có cần "điều chỉnh và tối ưu hóa" chiến lược chống dịch hiện tại hay không. Tương tự, trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDCP) Zeng Guang cho rằng cần tiến hành các thay đổi để củng cố miễn dịch cộng đồng và chấm dứt hướng tiếp cận 0 ca nhiễm mới.

Trung Quốc đang đối mặt với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất trong nhiều tháng, có nguồn gốc từ một cụm dịch được phát hiện tại TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô hôm 20-7. Hiện tại, đợt bùng phát này đã lây lan sang ít nhất 17 tỉnh và hàng chục thành phố.

Dù số ca nhiễm liên quan đến đợt bùng phát này còn tương đối thấp (hơn 600 ca trên tổng số 1,4 tỉ dân), giới chức Trung Quốc đã triển khai chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn với hàng triệu dân và ban bố các biện pháp hạn chế mới. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 8-8 công bố 96 ca nhiễm mới, trong đó có 81 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm kể từ khi Covid-19 khởi phát tại quốc gia này lên 93.701 ca.

 


Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ngày 7-8 thông báo thêm 23.903 ca nhiễm ở bang Florida. Theo NBC News, đây là lần thứ 3 trong tuần rồi, Florida thiết lập mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm mới sau 24 giờ.


Theo Cao Lực (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm