TN - Đất & Người

Âm ỉ phá rừng phòng hộ ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dù cơ quan chức năng có nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng tình trạng phá rừng vẫn diễn ra âm ỉ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Thậm chí ngay cả những cánh rừng phòng hộ giữa trung tâm thành phố vẫn bị phá để lấy đất rao bán một cách công khai.
Từ phản ánh của bạn đọc, tháng 12.2022, PV Thanh Niên ghi nhận thực trạng phá rừng vẫn diễn ra tại khu vực rừng phòng hộ (RPH) Gia Nghĩa (thuộc địa bàn H.Đắk Glong và TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). RPH Gia Nghĩa thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý (BQL) RPH Gia Nghĩa.

Dù có biển báo cấm phá rừng nhưng cả cây rừng và biển báo đều bị đốn hạ. Ảnh: Trác Rin
Dù có biển báo cấm phá rừng nhưng cả cây rừng và biển báo đều bị đốn hạ. Ảnh: Trác Rin
Cây rừng ngã xuống, đất được rao bán
Đi dọc con đường đất xuyên RPH Gia Nghĩa, cứ vài trăm mét lại phát hiện cây rừng ngã đổ, với vết cắt dưới gốc vẫn còn mới. Điều đáng ngạc nhiên là đi sâu vào RPH, ghi nhận khá nhiều nhà cấp 4, lán trại của người dân mọc lên.
Theo quan sát của PV Thanh Niên, dọc hai bên đường còn khá nhiều cây rừng. Tuy nhiên, đó chỉ là “vỏ bọc” bên ngoài, vì vùng lõi phía trong những cánh rừng xưa nay đã “biến” thành rẫy cà phê, hồ tiêu. Một người dân (xin giấu tên, ngụ TP.Gia Nghĩa) bức xúc: “RPH Gia Nghĩa bị “thảm sát” từ nhiều năm trước rồi. Hiện người dân chiếm đất rừng rất lớn. Nhìn hai bên đường thì còn ít cây, nhưng vào sâu vài chục mét toàn là nương rẫy; số cây ít ỏi còn lại là mục tiêu chặt phá để mở rộng diện tích”.
Dọc đường ghi nhận thực tế, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp bảng “bán đất rẫy”. Thử gọi vào số 0706101xxx, thì được người đàn ông giới thiệu tên Th., chào mời: “Tôi bán diện tích 3,5 ha, đất chưa có sổ, địa chỉ tại P.Quảng Thành (TP.Gia Nghĩa), giá bán là 2,2 tỉ đồng, còn thương lượng”.
“Đất thuộc RPH Gia Nghĩa?”, PV hỏi. Ông Th. trả lời: “Đúng vậy, đất này thuộc RPH Gia Nghĩa. Tôi tự khai phá đất từ 10 năm trước, lúc rừng còn thuộc quản lý của công ty lâm nghiệp. Hồi đó khai phá được chứ giờ phá rừng làm nương rẫy dễ… “chết” lắm”.
Ông Th. cho biết trên đất đã trồng kín cà phê và hồ tiêu, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chưa kể trên đất đã có nhà xây cấp 4, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Nói về hình thức mua bán, ông Th. cho biết chỉ cần… viết giấy tay là được. Vì đất rừng nên chẳng có chính quyền hay cơ quan có thẩm quyền nào xác nhận. “Giá tôi bán là rẻ lắm rồi. Không tin anh thử vào khu đó hỏi, có ai bán đất rừng rẻ đâu. Tôi bán hết 3,5 ha để kiếm tiền về quê (tỉnh Phú Thọ) sống”, ông Th. khẳng định.

Cây rừng bị chặt phá tại rừng phòng hộ Gia Nghĩa. Ảnh: Trác Rin
Cây rừng bị chặt phá tại rừng phòng hộ Gia Nghĩa. Ảnh: Trác Rin
Hơn 1.670 ha đất rừng thành đất rẫy
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc BQL RPH Gia Nghĩa, cho biết khi đơn vị tiếp nhận quản lý các công ty lâm nghiệp, RPH đã bị mất hàng ngàn héc ta. Thời gian qua, trước tình trạng sốt đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nhiều đối tượng làm liều chặt phá rừng để chiếm đất bán. Qua thống kê, có hơn 800 hộ dân lấn chiếm hơn 1.670 ha đất rừng để làm nương rẫy. Nhà kiên cố, nhà tạm và lán trại lên đến hàng trăm cái mọc giữa rừng. Đây là hậu quả của nhiều năm trước để lại.
Kỷ luật 15 cá nhân vì lơ là trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra 333 vụ phá rừng trái phép, diện tích rừng thiệt hại gần 68 ha. Lực lượng chức năng đã xử lý hành chính 294 vụ, xử lý hình sự 8 vụ. Hiện đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý 31 vụ khác. Năm 2021, tỉnh Đắk Nông xảy ra 348 vụ phá rừng, diện tích thiệt hại gần 83 ha.
Tháng 11.2022, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) gửi văn bản đề nghị tỉnh Đắk Nông phải nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. Năm 2022, UBND tỉnh đã kỷ luật 15 cá nhân vì lơ là trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trong năm 2022, BQL RPH Gia Nghĩa phối hợp các cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản xử lý hành chính 28 vụ, xử lý hình sự 2 vụ, diện tích thiệt hại hơn 5,7 ha. Trong đó, địa bàn H.Đắk Glong xảy ra 10 vụ, TP.Gia Nghĩa xảy ra 20 vụ.
Ông Trọng khẳng định, việc giữ rừng hiện gặp nhiều thách thức do người dân sinh sống quá đông trong RPH. “Đối với những hộ dân lấn chiếm đất rừng từ nhiều năm trước, chúng tôi đang vận động họ trồng xen canh cây rừng vào nương rẫy. Qua 5 năm vận động, đã có 200 hộ dân trồng cây rừng (chủ yếu là cây sao - PV) trên diện tích 380 ha”, ông Trọng nói.
Trả lời về việc trong năm qua, đơn vị có xử lý cán bộ nào để mất rừng không, ông Trọng cho hay: “Trong năm qua có 6 trường hợp nghỉ việc chứ không có kỷ luật. Các đối tượng chỉ phá vài trăm mét vuông, chứ với diện tích cả ha/vụ việc thì chúng tôi bị tỉnh kỷ luật hết rồi”. Theo ông Trọng, lực lượng giữ rừng hiện chịu nhiều áp lực công việc, trong khi mức lương chỉ khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, khiến nhiều người bỏ việc. “Một nhân viên mới nghỉ việc, chuyển qua làm nhân viên giao hàng. Tôi có hỏi thăm cuộc sống thế nào thì bạn ấy trả lời chuyển việc xong thấy đầu “nhẹ” hẳn ra”, ông Trọng nhìn nhận thực tế.
Qua công tác địa bàn, ông Trọng cho rằng tình trạng mua bán đất RPH vẫn diễn ra nhan nhản. Nhiều người từ Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM đến mua đất và chỉ viết giấy tay, không thông qua bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào. “Họ thấy trên đất đã trồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… nên mạnh dạn bỏ tiền mua đất rừng. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến cây rừng vẫn ngã xuống vì lợi nhuận cao từ việc bán đất”, ông Trọng nói.

Rao bán rẫy nhưng thực chất là bán đất rừng phòng hộ. Ảnh: Trác Rin
Rao bán rẫy nhưng thực chất là bán đất rừng phòng hộ. Ảnh: Trác Rin
Hệ quả do “lịch sử để lại”
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, RPH Gia Nghĩa chỉ chính thức hoạt động từ năm 2017; đồng thời được giao quản lý rừng và đất rừng gần 11.200 ha. Đáng chú ý, đất có rừng tự nhiên chỉ gần 2.800 ha (chiếm gần 25%), đất chưa có rừng lên đến gần 8.000 ha. Hầu hết cây rừng đã bị chặt phá và người dân lấn chiếm làm nương rẫy trước khi được bàn giao từ Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa (đã giải thể).
Trước thực trạng phá rừng vẫn âm ỉ “chảy máu” mà PV Thanh Niên phản ánh, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo giao Sở
NN-PTNT tỉnh chỉ đạo lực lượng kiểm tra, làm rõ. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, khẳng định sẽ đi kiểm tra hiện trường; đồng thời gửi phản hồi về vụ việc đến báo.
Nói về giải pháp giữ rừng trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Nông cho biết sẽ gắn trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm địa bàn với từng tiểu khu, từng xã và đơn vị chủ rừng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai một số chính sách hỗ trợ đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Bổ sung lực lượng tại các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở các địa bàn thuộc H.Đắk Song, Đắk Glong, Tuy Đức nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, đồng thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Theo Trác Rin (TNO)

Có thể bạn quan tâm