(GLO)- Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống thung lũng Kuc Gmối (xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) là màu xanh ngát của vườn trái cây xen lẫn những ngôi nhà mái ngói đỏ. Sau hơn 23 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, những người quê gốc Hải Dương đã vượt bao khó khăn để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Dọc con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào xã Đak Pơ Pho là những rẫy mía xanh tơ, thân vươn quá gối sau vài cơn mưa đầu mùa và những vườn cây ăn trái trĩu cành. Theo ông Vũ Xuân Hệ (quê huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), để được như ngày hôm nay là cả quá trình đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của những người đi xây dựng kinh tế mới. Ông Hệ bồi hồi nhớ lại: “Giữa năm 1999, 65 hộ dân từ tỉnh Hải Dương khăn gói vào vùng đất này khai hoang, lập nghiệp. Ngày đó, nơi đây là rừng núi hoang vu, cây cối rậm rạp, không điện-đường-trường-trạm nên chẳng ai nghĩ rằng sẽ trụ được lâu”.
Thế nhưng, với ý chí vươn lên thoát cảnh nghèo khó, vợ chồng ông Hệ người rìu, người rựa bắt tay vào công cuộc mở đất. Ngày cơm nắm, cá khô, rau rừng, đêm trú trong ngôi nhà tạm, họ đã biến đất hoang thành ruộng rẫy. Làm đến đâu, vợ chồng ông trồng trọt đến đó. Khi giải quyết đủ cái ăn, họ nghĩ đến chuyện phát triển kinh tế, hết trồng bắp lại quay sang mía rồi đến cây ăn quả. Đến giờ, với 2,5 ha nhãn, gia đình ông Hệ đã có trong tay hơn 300 triệu đồng. Chưa kể 4 ha mía mỗi năm cũng mang lại cho gia đình ông một khoản thu nhập kha khá. Thời gian gần đây, giá mía tăng cao nên người dân rất phấn khởi.
Vợ chồng ông Vũ Xuân Hệ chăm sóc vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Minh Nguyễn |
Cùng quê Hải Dương, gia đình chị Phạm Thị Trịnh (huyện Gia Lộc) rời quê khi đứa con đầu lòng chưa đầy 6 tháng tuổi. Nhờ cần cù, chăm chỉ, vợ chồng chị bỏ công sức khai hoang, trồng trọt, chắt chiu tích góp biến những giọt mồ hôi đổ xuống thành của ăn của để. Với 8,5 ha mía và 2,5 ha cây ăn quả (na Thái, nhãn, bơ, mít Thái), thu nhập của gia đình chị thuộc vào hàng “khủng”, khoảng 700-800 triệu đồng/năm. Đó là con số “khai báo” khá khiêm tốn, bởi thu nhập từ tiền công cày đất của chồng chị mỗi năm cũng đã vài trăm triệu đồng. Chính vì thế, không ai ngạc nhiên khi gia đình chị xây ngôi nhà mới trị giá vài tỷ đồng. “Ngày đầu, vợ chồng tôi cũng tính chuyện rời đi nhưng chỉ vì không có tiền trở về quê nên buộc phải kiên trì bám trụ nơi này. Nhờ vậy mà gia đình tôi cũng như những hộ dân từ Hải Dương tha hương vào đây đã dần ổn định cuộc sống, ai cũng no đủ”-chị Trịnh tự hào khoe.
Cũng từ bàn tay trắng, gia đình ông Phạm Minh Tuấn đang sở hữu 3 ha điều và nhãn, thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Theo ông Tuấn, những người từ Hải Dương vào đây đều chịu khó làm ăn nên thu nhập khá. Cá biệt, một số hộ có đến vài chục hoặc gần 100 ha mía, thu nhập đến vài tỷ đồng mỗi năm. “Để có được cuộc sống hôm nay, những người con của đất Hải Dương luôn đoàn kết, tương trợ nhau trong quá trình lập nghiệp. Hàng năm, bà con lấy ngày 4-4 làm mốc kỷ niệm những ngày đầu vào lập nghiệp. Ngoài việc thăm hỏi động viên nhau, mọi người còn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, chăm sóc vườn cây, phát triển kinh tế”-ông Tuấn thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Trương Quang Giàu-Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho-cho hay: Toàn xã có đến 109 hộ là người từ Hải Dương vào đây xây dựng kinh tế mới. Vượt qua khó khăn của những ngày đầu trên vùng đất mới, đời sống của họ dần khấm khá. Bên cạnh đó, cộng đồng người Hải Dương nơi đây còn hỗ trợ đồng bào Bahnar tại địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo việc làm.
MINH NGUYỄN