Du lịch

Ẩm thực Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều người từng ghé đến Pleiku hoặc sống ở đây đều nói với tôi rằng, đi đâu thì đi, ăn gì thì ăn nhưng với họ, thức món của Pleiku là ngon nhất. Riêng tôi, dù chưa được đi nhiều nơi nhưng mỗi lần đi xa lại nhớ Pleiku cồn cào và thức ăn ở đâu cũng không sánh được với Phố núi thân thương.
Mọi người biết đến Gia Lai với món phở khô 2 tô. Đó là 1 tô khô gồm bánh phở đã nhúng, rưới thêm thịt băm, hành phi, vài cọng hành ngò rau thơm. Khi ăn, thực khách cho thêm tương đậu, xì dầu, tùy theo khẩu vị.
Nhiều người vừa cắn quả ớt xiêm cay cay thơm nồng vừa xuýt xoa khung cảnh ảo ảnh mờ sương bữa sáng thì chủ quán bưng ra tô nước. Đó là ít thịt bò tươi thái mỏng, nhúng qua nồi nước dùng trong veo được hầm xương vớt bọt cho trong. Thịt mới cắt ra từ thớ tươi còn nóng, gặp nước dùng thì quăn mép, cong lại như bánh tráng gặp than. Nồi nước dùng ninh từ đêm qua với xương bò tươi dậy mùi thơm của gừng nướng, tỏi nướng, hoa quế, hoa hồi.
Phở khô ngon vì nó hợp với khẩu vị của từng người. Muốn mặn thì thêm ít tương, muốn cay thì cắn trái ớt, muốn chua thì thêm chút dấm tỏi hoặc vắt chanh. Thức ăn kèm với phở có giá đỗ và rau quế. Rau quế được trồng ở vựa rau An Phú sát thành phố, nơi có làng trồng lagim nổi tiếng, từng nhánh rau cọng tím hây hẩy mùi thơm. Phở khô chỉ có 2 vị bò và gà. Những quán phở ở Pleiku được đặc trưng bởi tên quán gắn với chủ, đó là phở Hồng, phở Vy, phở Hiệp, phở Hoàng, phở Tâm… tên của mỗi quán gắn liền với người đứng sau kệ bếp để thực khách phải xuýt xoa.
Phở khô 2 tô vị gà. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp
Miền đất cao nguyên như là nơi hợp lưu của dòng di cư tứ xứ, mỗi nơi dân di cư tìm đến lại mang theo món ăn riêng của họ. Đôi vợ chồng người Nam Định thuê nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám. Họ mở quán phở Bắc với bánh phở trắng và nồi nước dùng thơm ngon vô cùng. Cũng hương vị đấy nhưng nếu ở Hà Nội, thực khách sẽ không ăn kèm với bất kỳ vị gì, còn ở Pleiku, phở Bắc có thêm rau quế và giá đỗ, ai muốn ăn thì cho thêm. Có lẽ vì thời tiết Phố núi quanh năm lành lạnh nên món ăn phải có thêm ớt, tinh dầu thơm của mớ rau thơm bên vườn cho dậy vị. Còn mì Quảng, hủ tiếu, bún bò, bún chả, đâu đâu cũng có quán ngon.
Gần đây, nhiều quán cơm lam gà nướng cũng mọc lên bên mái chòi của nhà sàn đặc trưng cũng làm thực khách mê đắm. Đó là gà thả vườn làm sạch, moi hết nội tạng, nướng xa lửa để gà chín từ từ vàng hươm, gà chín xé ra chấm với muối giã lá é, một thứ lá thơm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Gạo nếp mới được ngâm đi, cho vào ống nứa, nướng trên bếp lửa cho cháy vàng sém, từng ống cơm còn nguyên thỏi được bẻ ra ăn với muối đậu phộng. Nó đậm vị thơm của nếp, vị giòn giòn cháy cạnh và cả bùi bùi của đậu phộng rang thơm giã nhỏ…
Pleiku bắt đầu vào mùa mưa, mưa bắt đầu tỏa về đêm từng trận rả rích, tối mưa đến sáng là sương giăng giăng khắp phố. Sáng cuối tuần, cả nhà tôi đến quán bò né gần nhà. Chảo gang làm nóng, một muỗng bơ thực vật vàng óng tan chảy thì chủ bếp cho bò đã ướp sẵn vào đảo đều, sau đó cho thêm hành tây thái nhỏ, trứng gà ốp la, tí pate, xíu mại… Chiếc chảo màu đen nóng được lót trên tấm gỗ, tiếng bơ vẫn còn lục bục, miếng bò cứ thế là săn lên cuộn lại và mùi thơm nức mũi. Tôi thường cho thêm chút hạt tiêu xay nhỏ, một xíu xì dầu để món ăn thêm đậm. Ngay kế bên quán bò là mùi cà phê rang xay tỏa ra thơm nức. Ngày cuối tuần cứ thế chầm chậm trôi đi với những hàng quán dọc ngang trên phố.
Tôi có vài người bạn sống ở nước ngoài. Lần nào gọi cho tôi, họ cũng nhắc đến ẩm thực Việt Nam với những mỹ từ và cảm giác khó tả. Và họ kết luận rằng: “Ẩm thực nước mình ngon nhất thế giới”. Tôi lại nói bạn cũng giống tôi, suốt ngày loanh quanh ở phố này nên thấy cái gì thuộc về phố cũng ngon, cũng đẹp.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm