Việc khởi động dự án đóng tàu tuần tra giữa Ấn Độ và Việt Nam là minh chứng cho thấy hợp tác quốc phòng giữa hai nước ngày càng mạnh mẽ và đi sâu vào lĩnh vực cụ thể.
Tuần trước, Ấn Độ và Việt Nam đã tổ chức lễ khởi động dự án đóng tàu tuần tra chung. Động thái này làm nổi bật những nỗ lực của hai bên trong việc tạo đột phá cho dự án cụ thể đầu tiên triển khai quan hệ đối tác quốc phòng sau những tiến triển đạt được thời gian gần đây.
Trong bài viết đăng trên The Diplomat, tác giả Prashanth Parameswaran cho rằng Việt Nam và Ấn Độ đang tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng, như một phần của quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp từ năm 2016. Quan hệ quốc phòng giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất hơn bằng các hoạt động hợp tác bảo vệ bờ biển, đào tạo nhân sự, tài trợ và chuyển giao công nghệ từ Ấn Độ, giúp Việt Nam nâng cao năng lực quân sự.
Việc khởi động dự án tàu tuần tra chung vào tuần trước đánh dấu một cột mốc mới trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước, thể hiện cam kết không ngừng của New Delhi trong việc giúp Hà Nội phát triển năng lực quốc phòng.
Lễ khởi động dự án được tổ chức tại nhà máy đóng tàu Larsen & Toubro ở thành phố Chennai của Ấn Độ hôm 14/8, để đóng mới 12 tàu tuần tra cho lực lượng Biên phòng Việt Nam. Dự án được tài trợ bởi gói tín dụng chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam và đây là lần đầu tiên hợp tác quốc phòng giữa hai nước mang lại những dự án lớn cụ thể.
Mô hình tàu tuần tra Ấn Độ đóng mới cho Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
Tham dự lễ khởi động có Chuẩn đô đốc KJ Kumar, tư lệnh vùng hải quân Tamil Nadu và Puducherry cùng các quan chức cấp cao của Hải quân Ấn Độ. Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thiếu tướng Hoàng Đăng Nhiễu, phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, dẫn đầu.
Tuy loại tàu tuần tra mà Ấn Độ đóng mới cho Việt Nam đã được sử dụng từ lâu trong lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ và không phải là một dự án mới hoàn toàn, nhưng đây là một dự án rất có ý nghĩa đối với hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Đại diện Hải quân Ấn Độ và lực lượng Biên phòng Việt Nam đều đánh giá cao tầm quan trọng của dự án. Cả hai nhất trí rằng dự án là nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng đi vào lĩnh vực cụ thể là đóng tàu, thay vì chỉ là các hoạt động hợp tác mang tính chung chung như trước.
Năm tàu đầu tiên sẽ được đóng mới tại nhà máy đóng tàu Larsen & Toubro. Những tàu còn lại sẽ được đóng mới tại nhà máy đóng tàu Hồng Hà của Việt Nam với sự trợ giúp và chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia Ấn Độ.
Các tàu tuần tra cao tốc (HSGB) được thiết kế để phục vụ hoạt động kiểm soát và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, phát hiện các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu và triển khai các nhiệm vụ tìm kiếm - cứu nạn.
Được chế tạo bằng hợp kim nhôm, tàu HSGB sẽ có chiều dài khoảng 35 m, đạt tốc độ 35 hải lý/giờ, được lắp đặt các thiết bị dẫn đường, giám sát và phòng thủ hiện đại.
Trung Hiếu (Zing.vn)