Bạn đọc

Ẩn họa trên đèo Tô Na

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi được đầu tư “nắn” đường, đèo Tô Na đã bớt hiểm trở hơn trước. Các vụ tai nạn giao thông ở đoạn đường đèo cũng theo đó giảm đáng kể. Tuy nhiên, mỗi khi mùa mưa đến, đoạn đường qua đèo vẫn tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường với người tham gia giao thông.

Đèo Tô Na nằm trên quốc lộ 25 là ranh giới giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa. Đây là tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Nam Trung bộ với Tây Nguyên theo hướng Đông Nam. Ngoài ra, đây còn là con đường thông thương giữa các địa phương khu vực Đông Nam tỉnh là thị xã Ayun Pa và các huyện: Phú Thiện, Ia Pa và Krông Pa. Năm 2012, một con đường thẳng xuyên qua núi đã được xây dựng nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn từ những khúc cua và rút ngắn đoạn đường đi. Tuy vậy, đoạn đường này đang phải đối mặt với những trận sạt lở nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa.

 

Đất đá sạt lở chiếm gần hết lòng đường trên đèo Tô Na. Ảnh: L.V.N
Đất đá sạt lở chiếm gần hết lòng đường trên đèo Tô Na. Ảnh: L.V.N

Anh Nguyễn Văn Thành (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) cho biết: “Sau mấy trận mưa to, y như rằng đèo lại sạt lở, không ít thì nhiều. Vậy nên khi trời mưa gió, ít người dám đi qua đoạn đường này. Nếu có đi qua cũng phải chạy thật nhanh chứ nếu không đá rơi vào đầu hoặc tông phải mấy hòn đá lớn thì cũng chưa biết chừng”. Đúng như lời anh Thành, nhìn những tảng đá lớn trên vách núi cao không được bạt ta luy, làm mái dương nên luôn chờ chực rơi xuống khiến bất kỳ ai đi qua cũng cảm thấy rợn người. Cũng theo một tài xế xe khách tuyến Krông Pa-TP. Pleiku, mỗi lần đi qua khu vực đèo này gặp trời mưa to, anh đều cho xe ép hẳn về bên ít xảy ra sạt lở để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

Được biết, khu vực này có nền địa chất không ổn định gồm cả đất và đá nên không có độ kết dính. Khi có mưa lớn, nước ngầm từ trong núi chảy ra gây xói mòn, dẫn đến sạt lở. Trong một trận mưa to, P.V Báo Gia Lai đã tận thấy cảnh đất đá sạt lở lấp gần kín toàn bộ con đường. Khi hàng trăm mét khối đất đá vừa sạt xuống, một chiếc xe khách đi ngang qua đã cán phải lớp đá vỡ vụn sắc bén khiến lốp xe bị nổ ngay trên đèo. Các vụ sạt lở không những tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông mà còn gây tắc nghẽn cục bộ trên quốc lộ 25. Đáng nói, tình trạng trên đã diễn ra qua 4 mùa mưa và người dân vẫn phập phồng lo lắng mỗi khi phải đi qua đoạn đường này.

Theo ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, trước mắt, Sở yêu cầu các đơn vị chủ đường luôn túc trực, để sẵn máy móc, con người sẵn sàng khắc phục khi sạt lở, dọn dẹp đất đá để đảm bảo giao thông thông suốt, không gây ách tắc và tránh nguy cơ gây thiệt hại về người. Sở cũng đã lập dự án chống sạt lở cho đoạn đường này trình lên Cục Đường bộ Việt Nam. “Về cơ bản Cục Đường bộ Việt Nam đã đồng ý với dự án này nhưng nguồn vốn dự án phải lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ lại không có nhiều, phải phân bổ nhiều nơi nên vẫn phải chờ…”-ông Quế cho biết.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm