Văn hóa

Cổ học tinh hoa

An Khê bảo tồn văn hóa truyền thống của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, 4 ngôi làng Bahnar ở thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng như duy trì hiệu quả hoạt động của đội cồng chiêng.

Thị xã An Khê có 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số gồm làng Nhoi, Hòa Bình, Pơ Nang (xã Tú An) và làng Pốt (xã Song An). Ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã-cho biết: Từ năm 2016 đến nay, thị xã An Khê và các xã đã hỗ trợ cho 4 làng hàng tỷ đồng để xây dựng nhà rông, mua cồng chiêng, tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, hướng dẫn dệt thổ cẩm, góp phần không nhỏ trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.

 Già làng Đinh Nao (bìa trái, ở làng Hòa Bình, xã Tú An, thị xã An Khê) hướng dẫn cách cầm, diễn tấu cồng chiêng cho thanh niên trong làng. Ảnh: Ngọc Minh
Già làng Đinh Nao (bìa trái, ở làng Hòa Bình, xã Tú An, thị xã An Khê) hướng dẫn cách cầm, diễn tấu cồng chiêng cho thanh niên trong làng. Ảnh: Ngọc Minh


Cẩn thận mở cửa kho lấy ra bộ cồng chiêng do thị xã An Khê tặng cho làng cách đây hơn 5 năm, ông Đinh Phước-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Pốt-thong thả nói: Bộ cồng chiêng có 13 chiếc, dân làng thường sử dụng vào dịp lễ hội quan trọng, thỉnh thoảng mang đi trình diễn tại các sự kiện văn hóa. Năm 2020, xã Song An cũng mua 1 bộ cồng chiêng tặng cho làng. Ngoài ra, dân làng còn lưu giữ 4 bộ chiêng cổ. “Cồng chiêng giữ vai trò rất quan trọng trong các lễ hội. Tiếng cồng, tiếng chiêng thay lời cầu xin thần linh phù hộ cho mùa màng tốt tươi, che chở cho bà con có cuộc sống bình an, no đủ. Bên cạnh đó, cồng chiêng còn như sợi dây thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng. Bao đời nay, các bậc cao niên rất quan tâm, xem trọng việc truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên. Nhờ đó, âm thanh cồng chiêng cùng điệu xoang uyển chuyển được gìn giữ và phát huy”-ông Phước tự hào nói.

Tương tự, làng Hòa Bình cũng được thị xã An Khê tặng 1 bộ cồng chiêng. Già làng Đinh Nao chia sẻ: “Trước đây, làng có 5 bộ cồng chiêng nhưng bị kẻ gian lấy trộm. Mỗi lần có lễ hội, làng phải mượn cồng chiêng. Năm 2016, được thị xã An Khê tặng bộ cồng chiêng, bà con như tìm lại báu vật. Mọi người tham gia đội chiêng ngày một đông, các lễ hội diễn ra cũng rộn ràng hơn”.

Không chỉ hỗ trợ các làng, thị xã còn quan tâm công tác truyền dạy cồng chiêng trong nhà trường. Theo đó, thị xã đã xuất kinh phí mua tặng Trường Tiểu học Lê Văn Tám 1 bộ cồng chiêng. Năm 2018, nhà trường thành lập đội chiêng “nhí” tại điểm trường 3 làng: Nhoi, Hòa Bình, Pơ Nang. Đội chiêng “nhí” không chỉ tích cực tham gia các chương trình văn hóa-văn nghệ của trường, của xã mà còn biểu diễn tại các sự kiện giao lưu, các lễ hội do thị xã tổ chức như: lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, hội hát cầu huê, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 2 về khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ, lễ hội dâu da đỏ Tây Sơn nhị (xã Cửu An)… Cô Trương Thị Cẩm Thúy-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Các buổi tập luyện, biểu diễn cồng chiêng đã tạo sân chơi lành mạnh, giúp các em học sinh nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống”.

Cùng với cồng chiêng, cộng đồng người Bahnar tại thị xã An Khê cũng tích cực gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Vừa bán tạp hóa, bà Đinh Thị Ngọt (làng Hòa Bình) tranh thủ hoàn thiện tấm chăn và chỉ bảo con gái dệt váy áo. Bà Ngọt chia sẻ: “Phụ nữ làng mình ai cũng biết dệt. Những họa tiết, hoa văn khó ngày xưa các bà, các mẹ truyền lại, giờ mình dạy cho con biết”.

 Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Pơ Nang (xã Tú An) góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar. Ảnh: Ngọc Minh
Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Pơ Nang (xã Tú An) góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar. Ảnh: Ngọc Minh


Theo bà Đinh Thị Pin-Trưởng thôn Pơ Nang, để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, xã Tú An đã thành lập Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm với 20 thành viên. Trong quá trình hoạt động, các cấp, các ngành đã phối hợp với xã mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm cho chị em. Vừa qua, thị xã cũng hỗ trợ 3 chiếc máy may. “Nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, một số chị đã sáng tạo dệt các sản phẩm như: túi đựng điện thoại, móc khóa, khăn trải bàn, tấm lót ly tách, vòng tay, khăn quàng cổ… Qua đó, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho chị em”-bà Pin phấn khởi thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Trần Thanh Cảnh-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tú An-cho biết: “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động các chị em có đam mê, yêu thích nghề dệt tham gia câu lạc bộ; phối hợp với các ngành chức năng giới thiệu, quảng bá sản phẩm thổ cẩm tại các lễ hội do thị xã, tỉnh tổ chức. Đối với đội cồng chiêng “nhí” tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã tiếp tục phối hợp với nhà trường mời nghệ nhân đến truyền dạy, nâng cao kỹ thuật trình diễn cho các em, xem đây là “hạt nhân” để gìn giữ, tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống của người Bahnar trên địa bàn”.

 

NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm