Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Già làng Kông Chro giữ mạch nguồn văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, nhiều già làng, người có uy tín ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã tích cực sưu tầm, gìn giữ kho tàng di sản văn hóa của dân tộc và âm thầm trao truyền cho thế hệ trẻ.

Họ được xem là “hạt nhân” trong bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa như nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, đan lát, tạc tượng, các lễ hội truyền thống.

Ông Đinh Yơng được người làng Htiên (xã Đăk Kơ Ning) bầu làm già làng từ năm 2017 đến nay. Ngoài biết đan lát, đánh cồng chiêng, ông Yơng còn am hiểu và thực hành nghi thức nhiều lễ cúng quan trọng như lễ cầu mưa, bỏ mả, đóng cửa kho, cúng đầu năm mới…

Theo già Yơng, các lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, là dịp để thành viên trong cộng đồng sum họp, gắn kết; thể hiện tinh thần trách nhiệm của người già, của thanh-thiếu niên, gia đình khi cùng nhau đóng góp lễ vật, tham gia trình diễn cồng chiêng, xoang, hát dân ca, thi trang phục, đan lát... Đây là cách trao truyền cho thế hệ trẻ tiếp nối và giữ gìn bản sắc văn hóa một cách tốt nhất.

“Những năm qua, mỗi khi chủ trì lễ cúng cho làng hay hộ dân, tôi đều chia sẻ kinh nghiệm, cách thức, trình tự cho thành viên Hội đồng già làng và những ai có nhu cầu học hỏi để phong tục tập quán của dân tộc được lưu truyền và phát huy”-ông Yơng chia sẻ.

Còn già làng Đinh Đuk (làng Tờ Nùng 1, xã Ya Ma) có công rất lớn trong việc thành lập đội cồng chiêng “nhí” đầu tiên trên địa bàn huyện Kông Chro vào năm 2009 và duy trì hoạt động đến nay. Hiện đội cồng chiêng có 40 thành viên từ 11 đến 16 tuổi.

Già Đuk cho biết: Để thành lập được đội cồng chiêng “nhí” của làng, ông và một số nghệ nhân, người già trong làng đến từng nhà vận động bà con cho con em trong độ tuổi tham gia. Thế nhưng, dù gia đình đã đồng ý thì nhiều em nhỏ lại không mấy mặn mà với việc học đánh chiêng. Không bỏ cuộc, ông lại dành thời gian gặp gỡ, chuyện trò, thuyết phục từng thành viên rồi trực tiếp truyền dạy, chỉ bảo từng ly từng tí.

Theo thời gian, các cháu nhỏ từ ngại ngần đã dần hiểu rõ về giá trị âm nhạc cồng chiêng, mê say tập luyện và trình diễn ngày càng thuần thục. Khi mới vào đội, ông nói cho các em hiểu về vai trò, ý nghĩa của cồng chiêng trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc; giới thiệu về bộ cồng chiêng làng đang sử dụng. Sau đó, dạy kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng; tạo cơ hội cho đội chiêng “nhí” đi giao lưu, tham gia các sự kiện văn hóa do xã, huyện tổ chức.

“Càng gắn bó với cồng chiêng, các cháu càng thấy yêu hơn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình và mong muốn được tham gia biểu diễn tại các hội diễn, liên hoan. Con cháu trong gia đình tôi cũng đều tham gia đội cồng chiêng, xoang của làng”-già Đuk phấn khởi kể.

gia-lang-dinh-duk-lang-to-nung-1-xa-ya-ma-an-can-huong-dan-cac-em-nho-trong-lang-cac-dien-tau-cong-chieng-anh-ngoc-minh.jpg
Già làng Đinh Đuk (làng Tờ Nùng 1, xã Ya Ma) ân cần hướng dẫn các em nhỏ cách diễn tấu cồng chiêng. Ảnh: N.M

Năm 2022, ông Đinh Uế (tổ dân phố Plei Pyang, thị trấn Kông Chro) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú thuộc lĩnh vực tri thức dân gian và nghệ thuật trình diễn dân gian. “Tôi rất vui vì danh hiệu này. Đây là phần thưởng cao quý, ghi nhận sự đóng góp của tôi trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc”-ông Uế tự hào nói.

Ông Uế tâm sự rằng, xuất phát từ niềm đam mê, ông đã kiên trì theo các nghệ nhân, người già trong làng học hỏi kỹ thuật tạc tượng. Với đôi tay khéo léo tài hoa, óc sáng tạo, ông đã biến khúc gỗ vô tri thành những bức tượng đẹp, có hồn, mang nhiều cảm xúc. Nhiều lần ông được mời tham gia trình diễn tạc tượng tại các liên hoan văn hóa do UBND huyện tổ chức; tham gia trình diễn tạc tượng tại Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai và Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018.

voi-doi-tay-tai-hoa-oc-sang-tao-ong-dinh-ue-to-dan-pho-plei-pyang-thi-tran-kong-chro-bien-khuc-go-vo-tri-thanh-tac-pham-tuong-go-co-hon-va-nhieu-cam-xuc-anh-ngoc-minh.jpg
Với đôi tay tài hoa, óc sáng tạo, ông Đinh Uế (tổ dân phố Plei Pyang, thị trấn Kông Chro) biến khúc gỗ vô tri thành tác phẩm tượng gỗ có hồn và nhiều cảm xúc. Ảnh: Ngọc Minh

Anh Đinh Lưu (tổ dân phố Plei Pyang) bộc bạch: “Tạc tượng rất khó. Nhờ được ông Uế tận tình hướng dẫn, đến nay, tôi đã tạc được tượng hình người, con thú khá sinh động. Tôi tiếp tục theo ông Uế học hỏi để tạc tượng đẹp và có hồn hơn”.

Theo thống kê, huyện Kông Chro hiện có 15 nghệ nhân, người dân biết chỉnh chiêng; 2.937 nghệ nhân, người dân biết diễn tấu cồng chiêng; 462 nghệ nhân, người dân biết đánh trống. Trên địa bàn huyện có 69 đội cồng chiêng người lớn, 3 đội cồng chiêng thanh-thiếu niên; 19 đội cồng chiêng nữ, 11 đội cồng chiêng thiếu nhi.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: “Đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện có công rất lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đầy tâm huyết.

Ghi nhận công lao đóng góp, huyện dành sự quan tâm đặc biệt và kịp thời, biểu dương, khen thưởng già làng, người có uy tín, nghệ nhân có nhiều thành tích trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc”.

Có thể bạn quan tâm