(GLO)- Với quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, thị xã An Khê đã tích cực triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Theo ông Phan Đình Quý-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê, việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới. Thị xã cũng đưa nội dung này vào hương ước, quy ước; đồng thời tổ chức cho nhân dân đăng ký thực hiện.
Hiện nay, trong việc cưới, trên địa bàn thị xã không có tình trạng tảo hôn, ép cưới. Nam nữ tự nguyện kết hôn, cùng nhau thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình. Một số tập tục lạc hậu, nghi thức thách cưới rườm rà đã được loại bỏ. Đám cưới được tổ chức trang trọng, lịch sự, nhẹ nhàng. Đối với việc tang, tất cả các thôn, làng, tổ dân phố đã xóa bỏ triệt để việc tổ chức ăn uống, trống kèn quá giờ quy định, khóc mướn, đốt vàng mã, rải tiền trên đường đi. Việc mai táng được thực hiện theo quy định chung của Nhà nước.
Lễ cúng Quý Xuân được thị xã An Khê tổ chức trang trọng. Ảnh: NGỌC MINH |
Ông Phạm Hữu Trung-Trưởng thôn 6 (xã Thành An) cho biết: Trước đây, mỗi khi gia đình nào có người chết thì cả thôn đến ăn uống linh đình trong 3 ngày, trống kèn ồn ào... Sau thời gian tuyên truyền và đưa các quy định về thực hiện nếp sống mới trong việc tang vào hương ước, quy ước của thôn, đến nay, nhận thức của người dân đã được nâng lên. Người chết không để quá 48 giờ, việc hiếu chỉ tổ chức trong 1 ngày, hình thức tiết kiệm, văn minh. Từ năm 2018 đến nay, Ban Nhân dân thôn đã vận động các gia đình thuê hội trường (800 ngàn đồng/lượt) để tổ chức đám cưới, tuyệt đối không dựng rạp ngoài đường gây mất an toàn giao thông. Chủ trương này được người dân trong thôn nhiệt tình hưởng ứng. Gia đình nào có kế hoạch tổ chức cưới hỏi thì báo trước với Trưởng thôn để sắp xếp lịch, tránh chồng chéo.
Về lễ hội, chính quyền thị xã An Khê cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, giá trị văn hóa của di tích, di sản và lễ hội. Công tác tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn, trang trọng, gìn giữ các giá trị truyền thống, hài hòa giữa lễ và hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.
Ông Phan Đình Quý (bìa phải) -Phó Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê cùng thanh niên thôn 6, xã Thành An tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh. Ảnh: Đ.Y |
Hiện nay, thị xã An Khê đang gìn giữ và phát huy giá trị một số nghi lễ, lễ hội tiêu biểu như: Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, lễ Khai sơn, lễ cúng Quý Xuân, kỷ niệm Ngày mất Vua Quang Trung, hội Cầu huê..., thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự. Theo ông Trần Ngọc Hỷ-Phó ban Nghi lễ An Khê đình thuộc quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo, hàng năm, Ban Nghi lễ đều có kế hoạch tổ chức các lễ hội. Để các lễ hội diễn ra long trọng, trang nghiêm, nơi tổ chức luôn được trang trí, chuẩn bị chu đáo đón người dân và du khách thập phương về thưởng ngoạn. Những biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật, thương mại hóa lễ hội như: xóc thẻ, bói toán, ném tiền lên kiệu, đốt vàng mã, rải tiền lên các ban thờ… đều bị cấm triệt để. “Nhờ quản lý tốt nên phần lễ được tổ chức trang nghiêm, tôn kính, đúng quy tắc; phần hội tươi vui, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân”-ông Hỷ cho biết.
“Những việc làm trên đã giúp hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, tiết kiệm và vui tươi, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát huy, đời sống tinh thần của người dân ngày càng phát triển toàn diện, hướng đến giá trị chân-thiện-mỹ”-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê nhận định.
Theo ông Quý, thời gian tới, Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa vai trò, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa, trong đó có việc cưới, việc tang và lễ hội. Động viên người dân tích cực tham gia giám sát, phát hiện, tuyên truyền để các hộ gia đình, cá nhân vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh thay đổi và nâng cao nhận thức.
HÀ TÂY