Xã hội

An Khê có 1.933 đối tượng được tiếp cận nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Vừa qua, Đoàn giám sát do ông Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc tại UBND thị xã An Khê về việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách giai đoạn 2016-2022. 

Theo báo cáo của UBND thị xã An Khê, việc phân bổ, quản lý sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2022 được thực hiện theo quy định, có hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã đạt 38,019 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,7% tổng nguồn vốn.

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát với UBND thị xã An Khê. Ảnh: Hà Phương

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát với UBND thị xã An Khê. Ảnh: Hà Phương

Cụ thể: Năm 2016, nguồn vốn địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 1,8 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 1,3 tỷ đồng, ngân sách thị xã 500 triệu đồng). Cùng với nguồn vốn thu nợ quay vòng, đã giải ngân cho 123 đối tượng là hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động thiếu việc làm, chưa có việc làm ổn định với số tiền 2,393 tỷ đồng để thực hiện các phương án chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất và kinh doanh hộ gia đình trên địa bàn. Tổng dư nợ năm 2016 là 4,772 tỷ đồng với 245 hộ vay.

Bà Trần Thị Thủy Tiên-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã An Khê tham gia ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Phương

Bà Trần Thị Thủy Tiên-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã An Khê tham gia ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Phương

Từ khi nhận được nguồn vốn ủy thác đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã đã cho vay 1.933 hộ, tổng số tiền giải ngân kể cả từ nguồn vốn thu nợ quay vòng là 63,888 tỷ đồng để thực hiện 1.933 phương án vay vốn. Trong đó, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực trồng rừng và chăm sóc cây lấy gỗ, cây mía, mì và các loại cây ăn quả có múi với 443 lao động vay 16,391 tỷ đồng; các hộ kinh doanh dịch vụ, buôn bán với 573 hộ vay 22,92 tỷ đồng; chăn nuôi bò sinh sản, nuôi cá lồng với 917 hộ vay 24,577 tỷ đồng...

Cùng với đó, nguồn vốn cho vay theo chương trình giải quyết việc làm giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng, người vay sử dụng đúng mục đích đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển sản xuất, kinh doanh và phát huy được hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã tham gia ý kiến về một số vấn đề như: Thị xã An Khê cần làm rõ những bất cập ở cơ sở về những khó khăn, vướng mắc; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; số liệu cần cụ thể từng chương trình của từng xã, phường; nguồn ngân sách địa phương cần ưu tiên cho người nghèo, bổ sung số hộ là người dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn...

Làm việc với đoàn giám sát, UBND thị xã An Khê đề xuất, kiến nghị: hàng năm, UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người dân, đặc biệt ưu tiên những địa bàn đô thị, giúp người dân được tiếp cận vốn ưu đãi của Nhà nước.

Đối với các tổ chức hội, đoàn thể của tỉnh tham mưu, đề xuất với tổ chức hội, đoàn thể cấp trên điều chuyển nguồn vốn ủy thác giải quyết việc làm để giải ngân kịp thời cho đoàn viên, hội viên... nhằm giảm bớt áp lực về nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm trên địa bàn thị xã.

Đoàn giám sát thực tế về việc sử dụng nguồn vốn vay của một số hộ dân tại xã Cửu An. Ảnh: Hà Phương
Đoàn giám sát thực tế về việc sử dụng nguồn vốn vay của một số hộ dân tại xã Cửu An. Ảnh: Hà Phương

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát đánh giá cao thị xã An Khê đã bám sát các quy định của cấp trên, đảm bảo việc ủy thác nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện hiệu quả; việc quản lý, giám sát, kiểm tra thông qua các tổ chức đoàn thể làm tương đối trách nhiệm. Một số mô hình cho vay có sự sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị thị xã An Khê cần tập trung nguồn vốn ủy thác cho vay giải quyết việc làm; nhất là quan tâm giải ngân kịp thời cho đối tượng chính sách và một số đối tượng khác trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Trước đó, đoàn đã giám sát thực tế về việc sử dụng nguồn vốn vay của một số hộ dân tại xã Cửu An.

Có thể bạn quan tâm