Điểm đến Gia Lai

An Khê: Quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, 10 năm qua, thị xã An Khê đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nghiêm túc triển khai thực hiện. Đến tháng 2-2019, 5/5 xã đã đạt chuẩn NTM, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân từng bước được nâng lên.
Nông thôn khởi sắc
Khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế-xã hội khu vực nông thôn của thị xã An Khê còn nhiều hạn chế, khó khăn. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng tình ủng hộ của người dân, lần lượt từ năm 2016 đến năm 2018, các xã: Cửu An, Xuân An, Thành An, Tú An và Song An đã “cán đích” NTM.
Chậm rãi bước đi trên con đường ra khu sản xuất đồn 602, ông Nguyễn Nghĩa (thôn An Thượng 3, xã Song An) kể: Trước đây, đường này chỉ là lối mòn, nhỏ hẹp, đi lại rất khó khăn. Năm 2017, xã đầu tư đổ bê tông, gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 800 m2 đất để mở rộng tuyến đường. Ông còn đóng góp 20 triệu đồng thuê máy ủi, đổ đất nâng cao nền đường. “Từ khi con đường được cứng hóa, bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Tôi rất vui vì đã đóng góp một phần công sức, của cải cùng địa phương xây dựng NTM, góp phần vào sự thay đổi của nơi mình sinh sống”-ông Nghĩa phấn khởi nói.
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Tú An chỉ có 1/19 tiêu chí đạt chuẩn. Theo đó, Đảng bộ, chính quyền cùng các tầng lớp nhân dân đồng lòng dốc sức, nỗ lực hoàn thành từng tiêu chí. Đến cuối năm 2018, xã hoàn thành 19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Chủ tịch UBND xã Trần Thanh Cảnh cho biết: Toàn xã có 6 thôn, làng. Đi đôi với nhiệm vụ xây dựng xã NTM, địa phương còn tích cực thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”. Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thị ủy, UBND thị xã, xã đã huy động nguồn lực trong dân và đóng góp kinh phí, công lao động của đơn vị bộ đội, doanh nghiệp được gần 5 tỷ đồng để xóa nhà tạm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo và xây dựng công trình phúc lợi, làm đường, cầu cống… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn khang trang, đổi mới như ngày hôm nay. 
Con đường bê tông đi ra khu sản suất đồi 602 được mở rộng trên phần đất của gia đình ông Nguyễn Nghĩa (thôn An Thượng 3, xã Song An, thị xã An Khê) tự nguyện hiến. Ảnh: Ngọc Minh
Con đường bê tông đi ra khu sản suất đồi 602 được mở rộng trên phần đất do gia đình ông Nguyễn Nghĩa (thôn An Thượng 3, xã Song An, thị xã An Khê) tự nguyện hiến. Ảnh: Ngọc Minh
Trong 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, thị xã đã huy động tổng nguồn vốn hơn 261,1 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 22,5 tỷ đồng. Người dân cũng đã đóng góp hàng chục ngàn ngày công và tự nguyện hiến hơn 25.781 m2  đất để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường nội thôn, đảm bảo kết nối giao thông thông suốt.
Từ các nguồn lực và đóng góp của người dân, thị xã đã đầu tư xây dựng 148,747 km đường giao thông đạt chuẩn; xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, tưới tiêu cho hơn 5.690 ha; làm kênh mương nội đồng cứng hóa 25,29 km, đạt 66,25%. 100% thôn, làng sử dụng điện lưới quốc gia. Các trường học, trạm y tế trên địa bàn 5 xã đạt chuẩn 100%. 100% xã có điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em và người lớn; thành lập các câu lạc bộ văn hóa, thể thao, tạo điều kiện cho người dân tham gia sinh hoạt, vui chơi, tập luyện thể dục thể thao và các phong trào khác...
Kinh tế phát triển
Xác định phát triển kinh tế là động lực hoàn thành các tiêu chí NTM, các xã đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả. Trong đó, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi từng ngành hàng nông sản chủ lực được chú trọng. Có thể kể đến như: Hợp tác xã Nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ Thành An đã thực hiện ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ chuối tiêu hồng với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, diện tích 16 ha (32.000 cây chuối tiêu hồng giống), 23 hộ tham gia; Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Xuân An đã thực hiện ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ măng tây với Công ty cổ phần Phát triển Dũng Hà, đã trồng 2,9 ha măng tây; Nhà máy Đường An Khê ký hợp đồng liên kết với nông dân trong niên vụ 2019-2020 với diện tích 2.022 ha mía. Ngoài ra, năm 2020, thị xã An Khê có 6 sản phẩm của 3 địa phương, doanh nghiệp đạt OCOP cấp tỉnh (2 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 3 sao), vượt 600% so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Trong đó, xã Tú An có sản phẩm trà cà gai leo, trà đinh lăng và xã Xuân An là sản phẩm măng tây.
Chủ tịch UBND xã Xuân An Hồ Hữu Mạnh cho hay: “Trong quá trình xây dựng NTM, xã Xuân An tập trung đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương như: chăn nuôi heo, bò, cá lồng, nuôi hươu lấy nhung; nâng cao hiệu quả kinh tế trồng cây lâm nghiệp, tăng năng suất; định hướng quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao; tuyên truyền người dân lựa chọn cây trồng để phát triển kinh tế, liên kết với doanh nghiệp để được đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 1,8%”.
Người dân xã Cửu An (thị xã An Khê) tham gia mô hình trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Minh
Người dân xã Cửu An (thị xã An Khê) tham gia mô hình trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Minh
Theo ông Phan Vĩnh Tấn-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã: An Khê thực sự có bước chuyển mình với tốc độ đô thị hóa nhanh, là vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông của tỉnh, đang trên đà phát triển với tốc độ tăng trưởng khá (tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 12,75%/năm). Sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng hàng năm, giá trị sản xuất đạt 3.857 tỷ đồng, tăng gấp 2,62 lần so với năm 2011. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản có bước chuyển biến rõ nét; giá trị sản xuất đạt 639,73 tỷ đồng, tăng gấp 2,54 lần so với năm 2011; sản xuất lương thực có hạt được duy trì ở mức 7.500-8.000 tấn; cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, từng bước tăng thu nhập cho người dân.
“Thu nhập bình quân đầu người ở các xã tăng liên tục qua các năm. Đến năm 2020, đạt gần 43 triệu đồng/người/năm, tăng 4,25 lần so với năm 2011 (10,11 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,77% (năm 2011) xuống còn 1,45% (năm 2020)”-ông Tấn thông tin.
Quyết tâm xây dựng NTM nâng cao
Hiện nay, chính quyền và Nhân dân các xã tiếp tục tập trung nguồn lực, thực hiện các giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã NTM nâng cao.
Qua rà soát, đánh giá, xã Thành An hiện đã đạt 10/19 tiêu chí NTM nâng cao. Bà Nguyễn Thị Hồng Oanh-Chủ tịch UBND xã-cho hay: “Song song với duy trì các tiêu chí đã đạt, xã thường xuyên rà soát, đánh giá từng tiêu chí chưa đạt để từ đó xây dựng giải pháp khắc phục. Trong đó, ưu tiên hoàn thành những tiêu chí có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và huy động sức dân tại chỗ”.
Diện mạo nông thôn của thị xã An Khê ngày càng khởi sắc. Ảnh: Ngọc Minh
Diện mạo nông thôn của thị xã An Khê ngày càng khởi sắc. Ảnh: Ngọc Minh
Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ: Thị xã phấn đấu đến năm 2025, 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao gắn với xây dựng làng Hòa Bình, Pơ Nang, Nhoi (xã Tú An) và làng Pốt (xã Song An) đạt chuẩn làng NTM theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua đó góp phần xây dựng An Khê ngày một phát triển, xứng tầm là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh.
Tại Cửu An, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Phúc, địa phương đã xây dựng kế hoạch cùng với các giải pháp để đạt tiêu chí nâng cao. Với những tiêu chí vượt quá khả năng, xã sẽ đề nghị thị xã hỗ trợ, các tiêu chí còn lại sẽ phấn đấu triển khai thực hiện. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường, tham gia thu gom rác thải, vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh-sạch-đẹp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; phối hợp với ngành Nông nghiệp triển khai nhân rộng mô hình trồng mía, cây ăn quả, trồng rừng sản xuất, cánh đồng lúa 1 giống… Đồng thời, vận động các nhà tài trợ, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để nâng cấp sửa chữa các công trình cộng đồng, giúp đỡ hộ nghèo, chăm lo đời sống người dân...”-bà Phúc thông tin.
Trao đổi cùng P.V, ông Nguyễn Hùng Vỹ-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho biết: Thời gian tới, thị xã tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM với phương châm “Phát triển kinh tế-xã hội là kết nối giữa đô thị với nông thôn theo hướng hiện đại và giữ vững được truyền thống”; lấy mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân làm mục tiêu trọng tâm. Đồng thời, xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển nông thôn từng bước hiện đại theo quy hoạch gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ, thương mại, bản sắc văn hóa được bảo tồn, dân trí được nâng cao; môi trường sinh thái xanh-sạch-đẹp; chất lượng hệ thống chính trị được nâng cao, gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân.
NGỌC MINH
 
 

Có thể bạn quan tâm