Điểm đến Gia Lai

An Khê ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những năm qua, ngành thương mại-dịch vụ của thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có sự tăng trưởng khá nhanh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị sản xuất thương mại và dịch vụ của thị xã đạt 2.885,63 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), bằng 54,87% kế hoạch, tăng 16,44% so với cùng kỳ năm 2022.

Đa dạng loại hình kinh doanh

Bà Hồ Thị Ngọc Tú (tổ 1, phường An Phú) chia sẻ: “Được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng hướng dẫn, cuối năm 2022, tôi đầu tư mở quán bán thức ăn chay. Bên cạnh đó, tôi còn bán cà phê, nước giải khát. Nhờ đó, doanh thu đạt gần 250 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 6 lao động với mức tiền công 4,5-6 triệu đồng/người/tháng”.

Các ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn thị xã An Khê đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: N.M

Các ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn thị xã An Khê đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: N.M

Theo Chủ tịch UBND phường Trần Ngọc Vũ Tùng: Toàn phường hiện có 335 cơ sở kinh doanh thương mại, 140 cơ sở kinh doanh dịch vụ, 32 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 5 hộ kinh doanh vận tải. Đặc biệt, trên địa bàn phường có chợ An Khê. Thời gian qua, phường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá thể hoạt động sản xuất kinh doanh; ưu tiên các ngành có khả năng cạnh tranh, nhiều tiềm năng; đa dạng hóa các ngành hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của phường nói riêng và thị xã nói chung.

Từ đầu năm đến nay, thị xã có 141 hộ kinh doanh, 11 doanh nghiệp (DN) thành lập mới. Hiện nay, thị xã có 1.586 hộ kinh doanh, 390 DN (trong đó 351 DN đang hoạt động; 25 DN đang làm thủ tục giải thể, hợp nhất, sáp nhập; 14 DN tạm ngừng hoạt động). Bên cạnh đó, thị xã có 10 hợp tác xã đang hoạt động, 8 tổ hợp tác hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, 8 ngân hàng thương mại cổ phần, nông nghiệp, chính sách và quỹ tín dụng hoạt động hiệu quả đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn và các huyện lân cận.

Các ngành dịch vụ khác như: bưu chính viễn thông, vận tải, bảo hiểm phát triển khá đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, cung cấp nhiều sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nổi bật nhất là nhóm ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú, cơ sở giải trí có sự phát triển về số lượng và chất lượng. Thị xã còn có quốc lộ 19 đi qua và là trục giao thông nối liền các tỉnh duyên hải miền Trung với Tây Nguyên nên có lợi thế phát triển dịch vụ logistics, góp phần thúc đẩy sự phát triển thương mại-dịch vụ, tăng trưởng kinh tế-xã hội địa phương.

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành thương mại-dịch vụ của thị xã đạt 4.561,57 tỷ đồng (tính theo giá so sánh năm 2010), bằng 100% kế hoạch, tăng 20,92% so với năm 2021; tính theo giá hiện hành đạt 6.213,51 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị sản xuất ngành thương mại-dịch vụ đạt 2.885,63 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), bằng 54,87% kế hoạch, tăng 16,44% so với cùng kỳ năm 2022, tính theo giá hiện hành là 4.175,19 tỷ đồng.

Đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, dịch vụ

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Đặng Quốc Hoài Huy, để ngành thương mại-dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, thời gian tới, thị xã tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN đầu tư mở rộng kinh doanh, dịch vụ, nhất là đối với các ngân hàng thương mại, siêu thị, trung tâm thương mại, các DN vận tải, viễn thông, dịch vụ y tế, các nhà phân phối, hệ thống nhà hàng, khách sạn; rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi những bất cập để hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, quản lý hoạt động thương mại.

Mục tiêu phát triển thương mại-dịch vụ của thị xã An Khê đến năm 2025 với tốc độ tăng trưởng (theo giá so sánh năm 2010) bình quân 5 năm đạt 12,5%. Ảnh: Ngọc Minh

Mục tiêu phát triển thương mại-dịch vụ của thị xã An Khê đến năm 2025 với tốc độ tăng trưởng (theo giá so sánh năm 2010) bình quân 5 năm đạt 12,5%. Ảnh: Ngọc Minh

Cùng với đó, thị xã tiếp tục phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại hiện có và đầu tư xây dựng mới; phát triển cơ sở hạ tầng theo quy hoạch một cách đồng bộ. Trước mắt, địa phương tập trung đầu tư xây dựng một số hạ tầng thương mại đã quy hoạch như: trung tâm hội nghị, triển lãm thương mại (phường An Tân), trung tâm thương mại-dịch vụ tổng hợp (phường Tây Sơn), chợ đầu mối nông sản (phường An Bình) và xây dựng 2 chợ tại phường An Phước, Ngô Mây; đồng thời nâng cấp, cải tạo một số chợ hiện có tại một số xã, phường.

Thị xã cũng chú trọng thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2022-2026. Phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa gồm: tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch, phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025, trong đó duy trì và phát triển xây dựng website, các phần mềm ứng dụng thương mại điện tử trong DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh.

“Mục tiêu phát triển thương mại-dịch vụ của thị xã đến năm 2025 với tốc độ tăng trưởng (theo giá so sánh năm 2010) bình quân 5 năm đạt 12,5%, chiếm tỷ trọng 40,19% trong cơ cấu giá trị sản xuất; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tính theo giá hiện hành) ước đạt 9.643 tỷ đồng. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển đồng bộ, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại; kết nối đồng bộ giữa hạ tầng thương mại khu vực thành thị và hạ tầng thương mại khu vực nông thôn. Đầu tư hoàn thiện các dịch vụ logistics trên địa bàn”-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm