Điểm đến Gia Lai

An Phú tạo đột phá để giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, phường An Phú (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ nhằm giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Năm 2023, phường phấn đấu giảm 5 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo.

Quan tâm hỗ trợ hộ nghèo

Bà Nguyễn Thị Hòa (tổ 3) cho biết: Năm 1998, chồng bà bị ốm rồi qua đời. Mất đi trụ cột gia đình, cuộc sống của mấy mẹ con ngày một khó khăn. Khi 2 người con đầu lập gia đình ra ở riêng, bà Hòa và người con út sống trong ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2021, UBND phường trích Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ gia đình bà 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Nhà cửa ổn định, mẹ con bà Hòa chịu khó lao động sản xuất. Đến cuối năm 2022, gia đình đã thoát nghèo.

“Đầu năm 2023, phường An Phú hỗ trợ cho gia đình tôi 1 con bò sinh sản theo hình thức đối ứng: Nhà nước 60%, người dân 40%. Đây là cơ hội giúp gia đình phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững”-bà Hòa chia sẻ.

Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của thị xã An Khê và các Mạnh Thường Quân, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống. Ảnh: Phi Điềm

Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của thị xã An Khê và các Mạnh Thường Quân, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống. Ảnh: Phi Điềm

Từ ngày chồng qua đời (năm 2004), kinh tế gia đình bà Huỳnh Thị Thọ (tổ 15) gặp nhiều khó khăn. Năm 2021, gia đình bà Thọ được Quỹ “Vì người nghèo” thị xã hỗ trợ 30 triệu đồng và UBND phường hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Đồng thời, gia đình cũng được phường hỗ trợ 1 con bò sinh sản để làm sinh kế. Không những thế, UBND phường còn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã cho bà Thọ vay 40 triệu đồng đầu tư máy xay bột, dụng cụ tráng bánh.

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng nỗ lực của bản thân, đến cuối năm 2022, gia đình bà Thọ đã thoát nghèo. “Đến nay, bò mẹ đã sinh bê con; lúa và hoa màu cũng được mùa; công việc tráng bánh mang lại nguồn thu nhập ổn định”-bà Thọ vui vẻ nói.

Tổ dân phố 15 có 272 hộ, trong đó, 70% hộ dân làm nông nghiệp, số còn lại buôn bán nhỏ lẻ. Cuối năm 2022, tổ 15 còn 4 hộ nghèo. Năm 2023, tổ phấn đấu hỗ trợ 2 hộ thoát nghèo. Ông Nguyễn Ngọc Hoài-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 15-cho hay: Hàng năm, Chi bộ thống nhất ra nghị quyết lãnh đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các chi hội, đoàn thể; đồng thời tuyên truyền, vận động các đơn vị tạo điều kiện giúp các hộ khó khăn, hộ nghèo; rà soát nắm bắt tình hình dân cư để đề xuất cấp trên có hướng chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời.

“Các chi hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên chung tay giúp đỡ, chia sẻ khó khăn và giới thiệu những mô hình sản xuất hiệu quả cho hội viên, đoàn viên áp dụng vào thực tế; tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn chính sách để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Hoài cho hay.

Nhờ được tạo điều kiện vay vốn để đầu tư mua dụng cụ làm bánh tráng, gia đình bà Huỳnh Thị Thọ (tổ 15, phường An Phú, thị xã An Khê) có thêm nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: N.M

Nhờ được tạo điều kiện vay vốn để đầu tư mua dụng cụ làm bánh tráng, gia đình bà Huỳnh Thị Thọ (tổ 15, phường An Phú, thị xã An Khê) có thêm nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: N.M

Thời gian qua, UBND phường An Phú đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, triển khai vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Trên cơ sở kết quả rà soát, đến cuối năm 2022, toàn phường còn 19 hộ nghèo và 92 hộ cận nghèo.

Sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá các tiêu chuẩn để thoát nghèo, phường đề ra mục tiêu giảm 5 hộ nghèo trong năm 2023. Với chỉ tiêu giao giảm 7 hộ cận nghèo, phường tiến hành rà soát kỹ lưỡng và mạnh dạn đăng ký giảm 8 hộ ra khỏi danh sách cận nghèo trong năm nay.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Cùng với việc giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, từ nguồn vốn được phân bổ 110 triệu đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2023, UBND phường tiến hành họp thống nhất và chọn triển khai mô hình nuôi bò sinh sản. Đến thời điểm này đã có 2 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo đăng ký tham gia.

Bên cạnh đó, phường phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; triển khai cho hàng trăm lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn giải quyết việc làm, nhà ở xã hội, vay học sinh, sinh viên với tổng dư nợ hơn 28 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ khó khăn cũng được xem xét và tạo điều kiện vay vốn thông qua kênh của các hội, đoàn thể.

Từ nguồn vốn phân bổ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, phường An Phú đã hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển chăn nuôi bò. Ảnh: Phi Điềm

Từ nguồn vốn phân bổ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, phường An Phú đã hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển chăn nuôi bò. Ảnh: Phi Điềm

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Cao Thanh Cường, công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội phường đặc biệt quan tâm, quán triệt, theo dõi, giám sát thường xuyên. Quá trình triển khai đều chấp hành nghiêm các quy định từ việc rà soát, bình xét hộ nghèo, cận nghèo; việc hỗ trợ đảm bảo tính dân chủ, minh bạch nên người dân rất phấn khởi.

“Thời gian tới, phường tiếp tục rà soát số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn, tạo điều kiện để họ phát triển sản xuất; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tư vấn cho các hộ nghèo, cận nghèo về phương án phát triển sản xuất trước khi vay vốn để việc đầu tư, sử dụng kinh phí hiệu quả hơn”-ông Cường thông tin.

Đề cập những giải pháp giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú cho rằng: Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò hỗ trợ của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện các chương trình, kế hoạch về giảm nghèo. Bên cạnh đó, phổ biến rộng rãi các mô hình kinh tế hiệu quả; thực hiện cơ chế hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua các chương trình, dự án đã được phê duyệt; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với người có công, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật.

Bên cạnh đó, phường sẽ tạo điều kiện hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: tín dụng ưu đãi, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế, giáo dục và đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin. Tiếp tục tổ chức điều tra, rà soát nguyên nhân nghèo của từng hộ, nhóm hộ để đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm