Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

'Ăn' theo phim Cây táo nở hoa, cô gái khởi nghiệp kiếm bộn tiền trong dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một cô gái trẻ chia sẻ trong dịch bệnh nhờ “ăn” theo phim Cây táo nở hoa nên mô hình kinh doanh khởi nghiệp không những không ảnh hưởng mà còn có thể vượt dịch ngoạn mục và kiếm được bộn tiền, khiến nhiều người ấn tượng.

Vốn dĩ Farm của Trang trồng chủ yếu táo và nho để thu hoạch quả, trong mùa dịch,
Vốn dĩ Farm của Trang trồng chủ yếu táo và nho để thu hoạch quả, trong mùa dịch, "ăn" theo phim Cây táo nở hoa đang "hot", vợ chồng Trang chuyển hướng bán cây táo giống nở hoa, nhờ thế kiếm được bộn tiền và đưa Farm vượt khó trong dịch. Ảnh: Hoa Nữ


“Với tụi mình, dịch bệnh không ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh mà còn tạo ra nhiều cơ hội để tăng doanh thu, sản phẩm mới và trưởng thành hơn”, Lê Thị Nhã Trang (32 tuổi) chủ dự án khởi nghiệp ChangChang Farm, đã chia sẻ như vậy tại vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp phát triển bền vững.

Đây là cuộc thi do Trung tâm BSA, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Công ty cổ phần Vinamit đồng tổ chức vào ngày 15.12 tại TP.HCM. Cô chủ trẻ còn nhấn mạnh nhờ “ăn” theo phim Cây táo nở hoa đang rất “hot” trên mạng lúc đấy mà đã tạo ra được sản phẩm mới và kiếm được bộn tiền, đưa doanh nghiệp khởi nghiệp của mình vượt qua khó khăn của dịch bệnh.


 

Trang cùng chồng tại chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: Hoa Nữ
Trang cùng chồng tại chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: Hoa Nữ



Trong dịch kiếm tiền được nhiều hơn

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, Trang cho biết trước đây cô học ngành ngân hàng, ra trường đi làm ở TP.HCM được khoảng 7 năm thì quyết định về quê khởi nghiệp.

Đang có công ăn việc làm ổn định, chồng thì đi du học về, thế mà hai vợ chồng lại bỏ hết tất cả để về quê trồng nho, trồng táo như truyền thống của gia đình.

“Lúc đó, nhiều người bảo tụi mình điên. Về làm vườn dang nắng dầm mưa, da đen đến nỗi bạn bè cứ bảo không còn nhận ra mình nữa, nhưng hai vợ chồng đều đam mê nông nghiệp hữu cơ nên rất quyết tâm”, Trang kể.

 

 
 Farm của Trang chủ yếu là nho và táo
Farm của Trang chủ yếu là nho và táo.



Cô nàng cũng cho biết lúc đầu khi mới gây dựng nông trại, thuê nhân công không ai dám làm vì lo ngại rắn rết do các bạn trồng hữu cơ không phun thuốc diệt cỏ nên để cỏ mọc khắp mọi nơi. Thế là, hai vợ chồng trẻ chưa một lần động tay, động chân đến việc làm nông lại phải quần quật suốt ngày như một người nông dân thực thụ.

Nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn sau đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua. Tuy nhiên, Trang lại khẳng định dịch bệnh tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp của mình có nhiều cơ hội để tăng doanh thu và tạo được sản phẩm mới.


 

 Vợ chồng trẻ quyết tâm đưa các sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ tiếp cận được nhiều khách hàng
Vợ chồng trẻ quyết tâm đưa các sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ tiếp cận được nhiều khách hàng


Vậy các bạn đã tăng doanh thu như thế nào? Trang cho biết mọi người không đi du lịch được vì dịch bệnh nên thèm sự trải nghiệm. Do đó, vợ chồng cô đã nghĩ ra việc cung cấp cây giống là táo và nho để mọi người trồng tại nhà. Bên cạnh đó, Trang còn chia sẻ kinh nghiệm trồng cây táo, cây nho trên sân thượng hoặc là hiên nhà để ra hoa, ra quả.

“Giá cây thấp nhưng giá trị tư vấn cách trồng mà tụi mình mang lại thì cao nên thu hút được nhiều khách hàng, nhờ vậy doanh thu từ việc bán cây giống rất nhiều”, Trang nói.

Đặc biệt, Trang hài hước chia sẻ: “Tụi mình tận dụng bộ phim Cây táo nở hoa thời gian đó đang 'hot' và lúc đó các cây táo nhà mình ra hoa nhiều nên cũng gặp thời bán rất nhanh, nhiều khách đặt mua”.

 

 
 Nhờ bán cây giống táo nở hoa bắt trend theo phim Cây táo nở hoa mà vợ chồng trẻ tăng được doanh thu ngay trong mùa dịch
Nhờ bán cây giống táo nở hoa bắt trend theo phim Cây táo nở hoa mà vợ chồng trẻ tăng được doanh thu ngay trong mùa dịch



Khi ban giám khảo tại cuộc thi đặt câu hỏi: “Trước và trong thời gian dịch Covid-19 thì giai đoạn nào em kiếm tiền được nhiều hơn”

Trang không ngại ngần trả lời: “Trong dịch, em kiếm được nhiều tiền hơn ạ”.

Cô cũng cười tươi như khẳng định khi ban giám khảo đáp lại: “Vậy là em phải cảm ơn dịch bệnh, vì nhờ dịch mà em tăng được doanh thu và có được sản phẩm mới”.

Trưởng thành hơn nhờ dịch

Cô chủ hài hước này cũng cho biết do xưởng chế biến còn nhỏ, nhân công, vùng nguyên liệu đều nằm trong cùng một thôn, nên lúc dịch bệnh xưởng vẫn có thể hoạt động bình thường. Cái khó là không chuyển được hàng vào TP.HCM và đi các tỉnh có dịch. Thì vợ chồng Trang bắt đầu chuyển hướng chuyển hàng đi các tỉnh phía bắc.

“Sức mua giảm nhiều trong dịch thì mình tận dụng những nguồn lá có sẵn trong Farm để tặng kèm lá xông cho khách hàng ở vùng dịch, điều này cũng tạo được thiện cảm cho khách hàng mà vẫn có thể hỗ trợ được phần nào giúp người dân vùng dịch”, Trang kể.


 

Vườn táo trồng theo hướng hữu cơ nhưng trĩu quả và năng suất rất cao
Vườn táo trồng theo hướng hữu cơ nhưng trĩu quả và năng suất rất cao


Đỉnh điểm nhất là lúc sản phẩm táo và nho bán không được do không thể vận chuyển thì Trang chuyển vào ủ dấm và làm rượu. “Và như thế là mình có sản phẩm mới để bán vào dịp Tết”, cô chủ dí dỏm nói.

Trang cũng cho biết nhờ dịch bệnh mà cô nàng trưởng thành hơn. “Trưởng thành ở đây là nhận ra được sự ích kỷ của bản thân. Trước đây mình tự làm nông trại, tự trồng táo và cây trái xen canh các loại với nhau, theo hướng hữu cơ, tự cung tự cấp và khép kín kiểu tự trồng, tự chế biến và ra sản phẩm từ vườn của mình. Lúc đó, mình cảm thấy không giúp đỡ được cho bà con địa phương khi sản lượng không đủ bán, không đủ cung cấp khi nhu cầu trong dịch của mọi người rất nhiều”, Trang bày tỏ.

Do đó, vợ chồng Trang quyết định tăng diện tích vùng nguyên liệu. "Tụi mình tận dụng thời điểm dịch bệnh giúp đỡ bà con tìm đầu ra, kiểu để “dụ dỗ” được thêm ba hộ trồng táo ở địa phương cùng hợp tác, để hướng bà con chuyển đổi dần từ canh tác không an toàn thành an toàn và tiến đến hữu cơ hoàn toàn. Từ đó, sản lượng tăng lên nên mình mở rộng thêm nhà xưởng, tăng cường thêm máy móc và nhân công địa phương”, Trang chia sẻ.


 

 Cô gái làm ngân hàng bỏ phố về quê cuốc đất, nhổ cỏ, trồng cây...
Cô gái làm ngân hàng bỏ phố về quê cuốc đất, nhổ cỏ, trồng cây...


Đến nay, ChangChang Farm của Trang đã mở rộng diện tích từ 3.000 m2 lên 13.000 m2. Đó cũng là sự cố gắng rất nhiều của hai vợ chồng cô trong thời dịch bệnh.

 

 Hai vợ chồng xây thêm nhà xưởng, tăng cường máy móc và nhân công tại địa phương để tiếp tục bứt phá trong thời bình thường mới
Hai vợ chồng xây thêm nhà xưởng, tăng cường máy móc và nhân công tại địa phương để tiếp tục bứt phá trong thời bình thường mới



Bên cạnh đó, Trang đang hướng đến phát triển du lịch trải nghiệm combo từ vườn ươm giống cho đến vườn trái cây trĩu quả và xưởng chế biến.


 

Vợ chồng Trang đang định hướng xây dựng và phát triển du lịch trải nghiệm tại Farm của mình
Vợ chồng Trang đang định hướng xây dựng và phát triển du lịch trải nghiệm tại Farm của mình


Thế là từ việc nhạy bén, “ăn” theo được bộ phim Cây táo nở hoa đang “hot” và nhanh nhẹn nắm bắt được nhu cầu của thị trường, cặp vợ chồng trẻ không chỉ kiếm được bộn tiền ngay trong khó khăn của dịch bệnh để đưa doanh nghiệp vượt dịch mà còn tìm được những hướng đi mới khi bình thường mới.

“Mình nhận ra rằng mỗi sản phẩm riêng lẻ không tạo được sự đặc biệt. Nhưng khi kết hợp lại tất cả: vườn ươm giống, vườn nho trĩu quả, vườn táo xanh rờn, xưởng chế biến cộng với thưởng thức đặc sản tại chỗ và địa thế thuận lợi nữa thì sẽ tạo thành mô hình du lịch trải nghiệm hấp dẫn cho thời bình thường mới”, Trang - cô gái ăn theo “ăn” theo phim Cây táo nở hoa chia sẻ.

Theo HOA NỮ (TNO)

Có thể bạn quan tâm