Điểm đến Gia Lai

Ấn tượng bản sắc văn hóa vùng đất Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 15 năm “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (25/11/2005-25/11/2020) thêm một lần nữa khẳng định giá trị của di sản văn hóa thế giới trong dòng chảy văn hóa chung của dân tộc. Sự kiện này không chỉ góp phần quảng bá du lịch của tỉnh với những di sản văn hóa, thiên nhiên đặc sắc mà còn khẳng định, Gia Lai là điểm đến mới hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước.

Chuỗi các hoạt động chào mừng nhằm tôn vinh di sản văn hóa cồng chiêng trong các ngày từ 20 đến 22-11 gồm: triển lãm ảnh nghệ thuật “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; tổ chức chương trình kích cầu du lịch tỉnh Gia Lai, giới thiệu di sản văn hóa, thiên nhiên, con người, các giá trị ẩm thực bazan đến hơn 100 doanh nghiệp lữ hành trong nước và hàng ngàn lượt người dân, du khách. Đặc biệt, các lễ hội tôn vinh di sản văn hóa gắn với thiên nhiên tại 2 huyện Chư Păh và Đak Đoa đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan mỗi ngày.

Tôn vinh di sản

Hơn 100 nghệ nhân đại diện cho 2 dân tộc bản địa Bahnar và Jrai đã có cuộc trình diễn ấn tượng trong lễ khai mạc các hoạt động kỷ niệm 15 năm diễn ra tối 20-11 tại Phố núi Pleiku. Những chủ nhân của di sản văn hóa cồng chiêng tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng thông qua các bài nhạc chiêng truyền thống như: mừng lúa mới, rước nước về làng, mừng chiến thắng… Các nghệ nhân, diễn viên đã tái hiện lại hành trình của di sản bằng sự tự hào và niềm kiêu hãnh đối với văn hóa dân tộc.

Anh Siu Thươm-trưởng đoàn nghệ nhân Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Đội chiêng của chúng tôi gồm 50 thành viên, toàn bộ là người trẻ, đại diện cho bản sắc văn hóa của dân tộc Jrai. Không chỉ mang đến các bài nhạc chiêng cổ truyền, chúng tôi còn chuẩn bị kỹ các hình thức phụ họa như khiên, cà kheo, hóa trang rối, trang phục, đạo cụ… cố gắng mang bản sắc văn hóa đặc trưng nhất giới thiệu đến mọi người”.

Anh Thươm cho biết thêm, thế hệ trẻ trong làng đã tham gia nhiều sự kiện văn hóa như lễ hội giao thừa, festival cồng chiêng nên không còn bỡ ngỡ. Qua các sự kiện, bà con càng ý thức gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống và tự hào vì đã góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản cha ông để lại.

Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Hòa Carol
Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Hòa Carol


Hành trình 15 năm giữ gìn danh hiệu mà UNESCO đã trao cho “Không gian văn hóa cồng chiêng” có vai trò rất lớn của các nghệ nhân-những “báu vật nhân văn sống” tại cộng đồng. Dịp này, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khen thưởng 8 nghệ nhân chỉnh chiêng tiêu biểu có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng.

Nghệ nhân Alip (làng Groi Wet, xã Glar, huyện Đak Đoa; 1 trong 8 nghệ nhân được tôn vinh) cho biết, sự quan tâm của tỉnh đối với đội ngũ nghệ nhân trong những năm qua đã khuyến khích họ tích cực hơn nữa trong hoạt động gìn giữ, phát huy di sản tại cộng đồng. Bản thân ông nhiều năm nay đã tham gia truyền dạy các lớp cồng chiêng cho thế hệ trẻ tại nhà cũng như thế hệ trẻ dân tộc thiểu số đang học tập ở Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện.  

Tại lễ khai mạc các hoạt động kỷ niệm 15 năm “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO vinh danh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên khẳng định: “Trong 15 năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chúng ta đã tiến những bước vững chắc trên con đường bảo tồn và phát huy các giá trị hiện hữu của không gian văn hóa cồng chiêng. Trên địa bàn Gia Lai, rất dễ nhận ra các lễ hội truyền thống có từ ngàn đời tiếp tục được duy trì, các nghi lễ liên quan đến vòng đời người và chu kỳ cây nông nghiệp tiếp tục được thể hiện. Dù diễn ra dưới hình thức nào và ở đâu, dù là lễ nghi của gia đình hay cả cộng đồng rộng lớn, thì tiếng chiêng da diết, trầm hùng vẫn không thể thiếu. Có thể nghe trong tiếng chiêng hơi thở của thời gian, nhịp đi của lớp lớp người đã sống, chiến đấu và bảo vệ mảnh đất thân yêu này. Cồng chiêng đã trở thành máu thịt đời người, là một phần không thể tách rời những giá trị căn cốt của nền văn hóa Gia Lai, Tây Nguyên đặc sắc”.

Rực rỡ sắc màu lễ hội

Di sản thiên nhiên cũng được tôn vinh trong 2 lễ hội là Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) và lễ hội cỏ hồng xã Glar (huyện Đak Đoa). Mỗi ngày, có hàng chục ngàn du khách gần xa đến với Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya đã thổi vào lễ hội một không khí rộn ràng, náo nức. Nhà rông làng Ia Gri nằm ngay dưới chân núi vang vọng tiếng cồng chiêng suốt những ngày qua. Thêm vào đó, những dải hoa dã quỳ nở rộ uốn lượn ôm trọn miệng núi lửa Chư Đang Ya như khiến màu nắng vàng của mùa khô Tây Nguyên thêm rực rỡ, quyến rũ du khách tìm đến.

Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2020 diễn ra từ ngày 20 đến 26-11. Ảnh: Nguyễn Giang
Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2020 diễn ra từ ngày 20 đến 26-11. Ảnh: Nguyễn Giang


Chị Nguyễn Thị Thúy Hòa (huyện Đak Đoa) hào hứng bày tỏ: “Tôi thực sự rất phấn khích khi vừa được tham gia lễ khai mạc đặc sắc, vừa chinh phục đỉnh núi Chư Đang Ya. Đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm hoạt động leo núi. Phải nói rằng, khung cảnh ở đây tuyệt đẹp”.

Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số gắn với du lịch đồi cỏ hồng và phiên chợ hàng nông sản lại hấp dẫn du khách bởi khung cảnh mênh mông hàng chục ha của đồi cỏ hồng dưới thông xanh ở xã Glar gắn với các hoạt động văn hóa đặc trưng. Ngoài theo dõi các tiết mục trình diễn cồng chiêng, du khách có thể xem các nghệ nhân thi tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm mà có thêm hiểu biết về quy trình làm ra các sản phẩm truyền thống, thêm khâm phục sự tài hoa, khéo léo của đồng bào dân tộc bản địa.

Ở phần trò chơi dân gian, sự khéo léo, mạnh mẽ của các chàng trai, cô gái trong từng môn thi kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo nhận được những tràng vỗ tay và tiếng cười sảng khoái của người xem. Những hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống tại ngày hội đã để lại trong du khách nhiều ấn tượng đẹp về vùng đất, con người Đak Đoa.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa: Lễ hội là dịp để huyện Đak Đoa giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch và truyền thống văn hóa của người dân địa phương, quảng bá những nông sản đặc trưng. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì tổ chức hàng năm để huyện Đak Đoa nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung trở thành một điểm hẹn du lịch lý tưởng của du khách trong tỉnh, trong nước và cả nước ngoài.

Quảng bá du lịch

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết, các lễ hội, triển lãm ảnh “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, ẩm thực bazan, khảo sát du lịch… được tổ chức lần này đều nằm trong chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tỉnh, góp phần quảng bá di sản văn hóa, thiên nhiên đến các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước. Không chỉ mời hơn 100 doanh nghiệp du lịch cả nước khảo sát, trải nghiệm các hoạt động lễ hội đang diễn ra, ngành du lịch còn đưa đoàn đi khảo sát, giới thiệu một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các tuyến du lịch tâm linh, du lịch sinh thái để các doanh nghiệp làm cầu nối đưa khách đến với Gia Lai.  

 Các nghệ nhân tạc tượng tại Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2020. Ảnh: Trần Dung
Các nghệ nhân tạc tượng tại Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2020. Ảnh: Trần Dung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên: “Nhân kỷ niệm 15 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tôn vinh là di sản thế giới, tôi kêu gọi các cấp, các ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, hãy đồng lòng chung sức dành sự quan tâm nhiều hơn nữa cho cồng chiêng, cho chủ nhân của giá trị văn hóa độc đáo này”.
 

Tham gia hội nghị kích cầu du lịch và trải nghiệm thực tế lễ hội tại Gia Lai, ông Vũ Nam-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) khẳng định, Gia Lai hiện là điểm đến mới hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước.

“Tôi đánh giá cao các hoạt động mà ngành du lịch Gia Lai tổ chức để triển khai kích cầu du lịch sau dịch Covid-19 do Tổng cục Du lịch phát động. Du lịch Gia Lai đáp ứng được cả 2 tiêu chí quan trọng là mới mẻ và an toàn, đánh trúng tâm lý và xu hướng dịch chuyển của khách nội địa. Tuy nhiên, Gia Lai cần tăng cường các sản phẩm kết nối với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và khu vực lân cận để tăng giá trị cho điểm đến, tạo ra trải nghiệm đáng giá, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú cho du khách để phát triển du lịch bền vững”-ông Nam nói.

Là địa phương có khoảng cách địa lý và vùng văn hóa tương đối khác biệt, ông Nguyễn Đức Nguyên-Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Hà Nam vô cùng ấn tượng khi trải nghiệm những ngày tôn vinh di sản văn hóa, thiên nhiên.

Ông Nguyên chia sẻ: “Gia Lai có tài nguyên du lịch rất phong phú, giá trị. Trong khi thị trường khách phía Bắc đã chán đi biển, họ đang cần những điểm đến mới mẻ như vùng Tây Nguyên. Do đó, du lịch Gia Lai đang đứng trước rất nhiều cơ hội để thu hút khách nội địa. Sau chuyến khảo sát thực tế này, chúng tôi sẽ tìm cơ hội để kết nối, đưa khách đến Gia Lai và ngược lại”.

 NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm