Ấn tượng kiến trúc bản sắc Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đình làng mà không phải đình làng, mái dốc mà không phải mái dốc chính là ngôi nhà ẩm thực VN hiện đại trên cảm hứng đình làng do kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh giới thiệu với bạn bè trong khối ASEAN.

 
Công trình nhà ẩm thực do Nguyễn Hoàng Mạnh thiết kế
Công trình nhà ẩm thực do Nguyễn Hoàng Mạnh thiết kế



Không vì kèo, mảng chạm vẫn mang hơi thở đình


Dàn khung bằng kim loại dọc ngang tạo thành hơn 4.000 khối hộp rỗng nhỏ của Nhà ẩm thực 3 miền VN đã được dựng xong tại 298 phố Kim Mã, Hà Nội. Hằng năm, đây là nơi diễn ra chương trình liên hoan ẩm thực Cộng đồng ASEAN với bạn bè quốc tế. Hệ thống đèn led cũng đã được gắn để khi bật lên, chúng tạo thành khung ánh sáng như một mái dốc của đình làng.

“Hơn 4.000 module tượng trưng cho hơn 4.000 năm lịch sử VN. Hệ đèn led tượng trưng cho không gian mái dốc. 8 cột thép chia không gian ẩm thực thành 3 gian như nhà truyền thống. Quầy ẩm thực 3 miền hình chữ S tượng trưng cho lãnh thổ VN. Ghế ngồi tượng trưng cho Hoàng Sa. Bàn đứng tượng trưng cho Trường Sa. Nhìn bên ngoài thấy bên trong. Công trình cũng thể hiện sự hội nhập của VN với cộng đồng quốc tế là những gian hàng xung quanh, sự giao hòa của bản sắc Việt với tự nhiên xung quanh. Công trình do đó cũng trở thành một phần của tự nhiên xung quanh”, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hoàng Mạnh phân tích.

 

"Chúng ta có thể thấy trên thị trường xây dựng việc sử dụng một số nguyên liệu nước ngoài cũng đang được thực hiện, vì thế nếu kiến trúc Việt có những nét ưu việt thì nét ưu việt đó hoàn toàn có thể xuất khẩu ra nước ngoài"-KTS Hoàng Thúc Hào, KTS của châu Á năm 2016

Công trình hoàn thành năm 2015, được giới KTS đánh giá là một công trình giàu văn hóa mà vẫn có nhịp điệu rất hiện đại. Đó cũng là một trong những lý do để năm 2016, Nguyễn Hoàng Mạnh trở thành KTS của năm do mạng kiến trúc Ashui bình chọn, chấm và trao giải.

Nhưng ít ai biết, mường tượng về một công trình mang âm hưởng đình làng như thế đã nhen nhóm trong anh từ cách đây 15 năm, khi lần đầu tới thăm những đình làng phía bắc. Sau này, khi được thầy là GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính đưa đi điền dã nhiều nơi hơn, ông Mạnh càng thêm hiểu về tổ chức không gian công cộng đình làng. Theo ông Mạnh, kiến trúc đình làng - nơi sinh hoạt cộng đồng của cả làng -để lại dấn ấn trong lịch sử rất sâu. Cách tổ chức không gian của nó rất tốt, và tốt đến tận hôm nay. Chính vì thế, khi thiết kế đầu tiên của ngôi nhà ẩm thực của một đơn vị khác bị Bộ Ngoại giao từ chối, ông Mạnh đã nhận lời vẽ nó, theo cách “đình làng” nhất.

“Tôi đưa ra một không gian quen thuộc nhưng nó vẫn hoàn toàn hiện đại. Đó là nơi từ nhỏ tới lớn người ta giữ trong ký ức rất sâu sắc”, ông nhớ lại. Chính vì thế ngôi nhà ẩm thực có mái hiên rộng để tránh mưa tạt nhưng cũng được thông gió tự nhiên. Nó đủ để người biết về kiến trúc sẽ hiểu vì sao nó đẹp, còn người khác không hiểu rõ cũng thấy có điều gì đó thật quen thuộc mà mình khó gọi tên.

KTS Lê Việt Hà, sáng lập viên của mạng kiến trúc Ashui, Hội Quy hoạch - Kiến trúc, cho biết: “Nguyễn Hoàng Mạnh là người rất cẩn thận, kỹ tính khi đưa công trình ra. Vì thế, công trình công bố tuy chưa nhiều song vô cùng chỉn chu về nghề. Công trình của Mạnh đi vào bản chất nhiều hơn là hình thức”.

Chính vì thế, với Naman Spa (Đà Nẵng) - công trình đã giúp Nguyễn Hoàng Mạnh bước lên bục KTS của năm 2016 - lại một lần nữa ông áp dụng cách tổ chức không gian xưa. Tại đó, không có những bức tường dựng lên mà bỏ ngỏ cho những hàng hiên mở với vườn treo, bồn sen. Những loại cây địa phương cũng được tận dụng để tạo nên vẻ đẹp riêng biệt mà chỉ tới vùng khí hậu đó mới có.

Cần tạo xu hướng

KTS Hoàng Thúc Hào, KTS của châu Á năm 2016, chia sẻ: “Nếu giữa đô thị mà áp dụng được những kỹ thuật xây dựng, văn hóa kiến trúc của đồng bào vùng cao cũng rất tốt. Những kỹ thuật nhà tường đất phù hợp với xu hướng kiến trúc xanh hiện nay. Tôi vẫn ao ước có những ngôi nhà đất 2 tầng ở đô thị. Nó không chỉ tiết kiệm năng lượng khi vận hành mà còn rất tốt cho sức khỏe của người sống trong đó nữa. Nhưng sử dụng kỹ thuật nhà tường đất cũng không có nghĩa là bê nguyên kỹ thuật đó từ nơi này sang nơi khác. Hoàn toàn có thể sử dụng khoa học công nghệ để làm mới nó. Hiện tại với sự trợ giúp của khoa học, hoàn toàn có thể sử dụng thêm một số chất phụ gia để làm gạch đất, làm khô nhanh hơn, định dạng tốt hơn. Tôi nghĩ khả năng mang các kỹ thuật xây dựng trong kiến trúc Việt đi xa hơn hoàn toàn có thể. Chúng ta có thể thấy trên thị trường xây dựng việc sử dụng một số nguyên liệu nước ngoài cũng đang được thực hiện, vì thế nếu kiến trúc Việt có những nét ưu việt thì nét ưu việt đó hoàn toàn có thể xuất khẩu ra nước ngoài”.

Còn TS-KTS Khuất Tân Hưng, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội thì cho rằng cần học người Nhật để tạo xu hướng kiến trúc Việt. “Xu hướng đưa đặc trưng kiến trúc truyền thống, kiến trúc bản địa vào thiết kế hiện đại ở VN hiện chưa nhiều. Chúng ta chỉ mới có lác đác vài đề xuất, vài tác phẩm chứ chưa thành xu hướng. Chúng ta cần thời gian, các tác giả cần đi thành xu hướng nhất quán trong sáng tác nữa. Cảm giác loại công trình truyền thống mang xu hướng hiện đại này nhiều vì báo chí nhắc tới thường xuyên thôi nhưng so với mặt bằng sáng tác nói chung thì vẫn còn ít”, ông Hưng nói.


 

Khách sạn Southeast Asia tại Campuchia do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và cộng sự thiết kế
Khách sạn Southeast Asia tại Campuchia do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và cộng sự thiết kế



Tuy nhiên theo ông Hưng, may mắn là khi các KTS đi theo cách làm đó được giải thưởng quốc tế thì sẽ hút một số bộ phận làm theo. Ở Trường đại học Kiến trúc chẳng hạn, sinh viên rất thích theo những hướng như thế. Các thầy cũng khuyến khích. Nhiều khi dạng kiến trúc đó hướng tới người nghèo, thu nhập thấp, thiệt thòi nhất trong xã hội. Họ lại có thể chủ động tham gia vào việc xây nhà xây cửa. Cho nên khi hướng tới đối tượng đa số như vậy thì nó phục vụ tốt cho cộng đồng.

“Trong khi đó, xu hướng của thế giới là quay trở lại tính địa phương của kiến trúc để làm nổi bật bản sắc. Xu hướng kiến trúc xanh cũng là cái đi theo hướng bản địa hóa kiến trúc. Người Nhật đã rất thành công trong xu hướng mang kiến trúc truyền thống vào kiến trúc hiện đại này rồi. Họ mang cả những công trình đó ra nước ngoài. Những công trình kiến trúc ở Nhật có vẻ ngoài rất hiện đại, nhưng nhìn vẫn ra chất Nhật. Đó là dựa trên tinh thần, sự cô đọng, các đường nét chứa triết lý ẩn dụ của người Nhật. Đấy là cái có thể học hỏi được”, TS-KTS Khuất Tân Hưng kết luận.

Trinh Nguyễn (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm