Trong đó, Anh hùng Núp với “Hát mừng Anh hùng Núp” của nhạc sĩ Trần Quý; A Sanh (Puih San) với “Người lái đò trên sông Pô Cô”, nhạc Cầm Phong-thơ Mai Trang và Bùi Ngọc Đủ với “Ơi dòng suối La La” của nhạc sĩ Huy Thục.
Điều thú vị là khi sáng tác về 3 người anh hùng, các nhạc sĩ đều chỉ biết chiến công của họ qua tư liệu sách báo mà chưa hề gặp ngoài đời thực. Riêng Bùi Ngọc Đủ, hình ảnh của ông trong tác phẩm chỉ gói gọn với chiến công tại đồi Không Tên và đó là cả một câu chuyện thú vị giữa nhạc sĩ và người anh hùng.
“Ơi con suối La La/nước trong xanh hiền hòa/đang bay bổng lời ca/chảy xuôi về sông Cam Lộ/Hoa chiến công đang nở rộ/từ Quảng Trị về Thừa Thiên quê ta…”. Cứ theo lời kể của Anh hùng Bùi Ngọc Đủ lúc sinh thời thì suối La La ở gần làng Chanh, xã Tân Kim, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Đó là dòng suối nhỏ, chảy quanh ngọn đồi thấp đầy những sim, mua.
Cái tên “suối La La” và “đồi Không Tên” là do nhạc sĩ Huy Thục đặt, còn trên bản đồ lúc ấy, đồi Không Tên có ký hiệu là Điểm cao 360. Bấy giờ, để tập kích các trận địa pháo của địch, bộ đội ta thường luồn sâu áp sát căn cứ của chúng.
Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ có 10 người gồm: Bùi Ngọc Đủ, Lương Tầm, Nguyễn Hồng Kinh, Đặng Hạng, Nguyễn Văn Tía, Nguyễn Nhân Nhê, Nguyễn Xuân Niên, Lê Văn Chính và Nguyễn Văn Nhân. Tiểu đội có nhiệm vụ bảo vệ 1.800 quả đạn HA12 để chuẩn bị cho bộ đội ta tiêu diệt căn cứ Cam Lộ và trận địa pháo Quán Ngang...
Sau 2 ngày trôi qua yên tĩnh, sáng 27-2-1967, anh em đi lấy nước về thì Tiểu đội trưởng Bùi Ngọc Đủ cũng vừa thức dậy. Chợt nghe trong gió thoảng mùi thuốc lá, ông thấy thèm kinh khủng. Nhìn ra xa thấy mấy đám mũ sắt nhấp nhô đi tới, nghĩ là lính pháo của ta, ông lững thững xách súng đi xuống chân đồi định xin điếu thuốc...
Quái, lính ta sao lại nói xì xồ? Bùi Ngọc Đủ sững lại. Căng mắt qua làn sương dày đặc, nhìn kỹ, ông mới té ngửa: Hóa ra là bọn lính Mỹ đi sục! Lúc này, những tên đi trước chỉ còn cách ông độ hai chục thước. Chỉ còn kịp quạt một loạt AK, ông chạy lui hét lớn: “Tất cả vào vị trí chiến đấu!”.
Nhạc sĩ Huy Thục (bìa phải) và Anh hùng Bùi Ngọc Đủ trong một lần trở lại thăm chiến trường Quảng Trị. Ảnh: N.T |
Bọn Mỹ ngay lập tức bắn xối xả. Chúng dàn thành 1 vòng cung ôm lấy trận địa. 13 khẩu đại liên châu vào đổ đạn như mưa bấc. Bùi Ngọc Đủ nhắc anh em bình tĩnh, chờ chúng vào thật gần hãy bắn... Cứ áp đảo xong một đợt hỏa lực, chúng lại tổ chức xung phong. Có lúc, chúng chỉ còn cách hầm anh em 5-7 m nhưng lần nào cũng bị đánh bật ra. Cay cú, chúng giãn ra gọi trực thăng và pháo chi viện...
Càng về trưa, trận đánh càng ác liệt. Bom đạn chúng dựng thành một hàng rào lửa quanh ngọn đồi. Đất đá bị giã như rây bột. Nắng càng lúc càng gay gắt. Khói đạn và hơi nóng làm không khí như quánh lại. Cổ họng ai cũng rát bỏng như nuốt than lửa...
Dứt mỗi đợt xung phong, Bùi Ngọc Đủ lại bò đến từng hầm động viên từng người, chỉ huy anh em thay đổi vị trí, củng cố công sự. Sự dũng cảm, bình tĩnh của Bùi Ngọc Đủ càng tiếp thêm sức mạnh cho toàn tiểu đội. Nguyễn Nhân Nhê rồi Nguyễn Văn Nhân hy sinh, Lê Văn Chính bị thương, tiểu đội còn lại 7 người nhưng không ai nao núng. Họ vẫn bình tĩnh bám công sự, lợi dụng địa hình thoắt ẩn thoắt hiện chờ địch đến thật gần. Dứt một loạt điểm xạ là một xác giặc chồng lên trận địa...
Đến 7 giờ tối, bọn Mỹ rã rời. Sau đợt xung phong lần thứ 15 cũng chỉ để lại xác chết, chúng đành phải rút lui. Bùi Ngọc Đủ và Lương Tầm thừa thắng đuổi theo đến tận bờ suối mới quay về trận địa.
Vậy là suốt 1 ngày, hơn 200 tên Mỹ có cả máy bay trực thăng và phi pháo yểm trợ đã chịu thua 10 chiến sĩ của ta. Chúng phải để lại đồi Không Tên 9 khẩu đại liên và nhiều xác chết. Riêng Bùi Ngọc Đủ đã diệt 21 tên. Chiến công của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã mở đầu kỷ lục: 1 thắng 20.
Sau trận đánh lẫy lừng này, Bùi Ngọc Đủ được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, được đi dự đại hội Chiến sĩ thi đua ở Quân khu rồi ra Hà Nội, được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo công.
Tuy cùng tiểu đội lập nên chiến công hiển hách như vậy nhưng lúc ấy Bùi Ngọc Đủ không nghĩ tên tuổi của mình sẽ được lên đài, lên báo; càng không nghĩ sẽ vào lời ca đi cùng năm tháng. Thậm chí, ông còn lo “các bố” kỷ luật vì đã để bọn Mỹ chạy thoát.
Mãi đến khi được ra Quân khu dự Đại hội chiến sĩ thi đua chiến trường Trị-Thiên tổ chức ở hang Đá Bạc (Quảng Bình), ông mới sửng sốt khi nghe ca sĩ Tường Vy hát “Ơi dòng suối La La” ca ngợi tiểu đội mình. Người hát hay, bài hát hay khiến ông rất xúc động. Thì ra, nhạc sĩ Huy Thục qua chất liệu trên đài, báo đã cảm xúc mà sáng tác về tiểu đội ông trước đó rồi.
Lúc ông ra Hà Nội báo công, nhạc sĩ Huy Thục đã tìm đến thăm và hỏi chuyện. Từ đó về sau, nhạc sĩ và ông còn gặp nhau vài lần nữa. Tuy nhiên, xúc động nhất với Bùi Ngọc Đủ vẫn là lần gặp vào năm 1988.
Tôi vẫn nhớ như in câu chuyện ông Bùi Ngọc Đủ kể: “Năm ấy có dịp vào Gia Lai, chẳng rõ ông ấy lần mò thế nào mà tìm ra được nhà tớ để đến thăm. Lúc ấy, tớ đang ở ngoài rẫy cà phê, nghe con chạy ra nói “có khách ở Hà Nội vào” thì chạy về. Anh em ôm nhau khóc. Cảm động quá, tớ muốn cùng Huy Thục uống một bữa cho thật say nhưng ông lại chả uống nhiều được. Cũng có lẽ tại cái nhà tôn lúc ấy của tớ nóng như hầm lò khiến mồ hôi ông ấy ướt đầm cả áo...
Nhân nhắc lại kỷ niệm thời trận mạc, ông Thục bảo tớ hãy hát bài “Ơi dòng suối La La” cho mọi người nghe. Tớ nói thật là mình không thuộc mà cũng chẳng biết hát. Ông ấy hơi buồn, bảo “Một kỷ niệm gắn với đời em như thế mà lại...”. Tớ mang ơn Huy Thục nhiều. Ông ấy mà “trăm tuổi” thì giá nào tớ cũng phải ra Hà Nội vĩnh biệt ông...”.
Nhưng, Anh hùng Bùi Ngọc Đủ không thực hiện được tâm niệm của mình. Ông đã ra đi năm 2017, trước nhạc sĩ Huy Thục hơn 5 năm. Tuy trở thành người thiên cổ nhưng 2 ông đã để lại cho đời một mối lương duyên thật đẹp giữa anh hùng và nghệ sĩ.