Chính trị

Anh hùng Núp: Trăm năm một tinh anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 2-5-2024 là tròn 110 năm Ngày sinh Anh hùng Núp (1914-1999), người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên. Với ý nghĩa đó, trong khuôn khổ triển lãm “Di sản văn hóa Côn Đảo-Gia Lai”, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông.

Với khoảng 80 bức ảnh tư liệu quý hiếm, triển lãm khái quát về những dấu ấn nổi bật trong cuộc đời hoạt động và cống hiến của Anh hùng Núp cho cách mạng, cho quê hương, đất nước. Nguồn ảnh đa số từ Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang). Dự kiến triển lãm sẽ khai mạc và phục vụ khách tham quan dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Người anh hùng bình dị

Anh hùng Núp còn có tên là Sar, sinh ngày 2-5-1914 trong một gia đình Bahnar nghèo sống bằng nghề nương rẫy tại làng Đe Dong, xã Nam, huyện An Khê (nay là làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang). Bằng niềm tin sắt đá: “Mình có Đảng, có Bác Hồ, có gan đánh giặc”, ông đã cùng đồng bào mình một lòng đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm chỉ với vũ khí thô sơ như chông, cung tên, bẫy đá... làm nên một huyền thoại bất tử. Không chỉ là người Bahnar đầu tiên được kết nạp vào Đảng, ông còn là người Tây Nguyên đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một trong những bức ảnh đặc biệt tại triển lãm là nụ cười rất tươi của “cánh chim đầu đàn” Tây Nguyên khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Người đến thăm Trường Dân tộc Trung ương năm 1959. Một dịp khác, ông còn được chụp ảnh với Bác Hồ cùng các đại biểu dân tộc thiểu số.

Ảnh đơn vị cung cấp.

Cùng ngắm những hình ảnh trưng bày tại triển lãm, khách tham quan như được chứng kiến người anh hùng trong các cuộc hội ngộ thân tình với lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ như: Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Ảnh lưu niệm của ông với một số lãnh đạo tỉnh và các anh hùng dân tộc thiểu số như: Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ, Anh hùng Kpă Klơng… cũng được bảo quản kỹ lưỡng để “kể lại” những khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ.

Ảnh đơn vị cung cấp.

Trong một cuộc trò chuyện với P.V nhiều năm trước, ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, người từng có thời gian cận kề bác Núp suốt gần 10 năm-hồi tưởng: Tầm ảnh hưởng của bok Núp không chỉ trong phạm vi Tây Nguyên mà lan ra khắp cả nước. Năm 1976, ông và Anh hùng Núp cùng đi họp ở Trung ương (khi đó Anh hùng Núp là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng, còn ông là Phó Chủ tịch). Ngang qua tỉnh Thanh Hóa thì xe bị hỏng. Khi bok Núp xuống xe, những đứa trẻ chơi gần đấy liền vây lại xung quanh. Ông Ngô Thành vui vẻ hỏi mấy đứa trẻ: “Các cháu có biết ai đây không? Anh hùng Núp đấy!”. Lập tức, nhiều người lớn khác nghe thấy liền chạy đến: “Ôi, bác là Anh hùng Núp của... Nguyên Ngọc à? Chúng cháu nghe tên bác lâu rồi nhưng bây giờ mới được gặp mặt!”. Hôm đó, trong khi chờ sửa xe, Anh hùng Núp đã có một buổi chuyện trò thân mật bên vệ đường với các cháu thiếu nhi và người dân trong vùng.

Chưa dừng ở đó, tên tuổi người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên còn vang xa đến Tây bán cầu. Tại triển lãm nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Anh hùng Núp, người xem có thể thấy những hình ảnh hết sức ấn tượng như: “Anh hùng Núp trong một lần nói chuyện cùng huyền thoại Che Guevara”; “Anh hùng Núp tại bãi biển Santa Maria-Cuba”; “Anh hùng Núp thăm cửa hàng bách hóa ở Cuba” năm 1964. Trước đó, khi tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, lãnh tụ Cuba Fidel Castro hết sức cảm phục nên đã mời đích danh Anh hùng Núp sang thăm đảo quốc anh hùng. Xúc động trước lòng yêu nước mãnh liệt của người anh hùng đến từ nước xã hội chủ nghĩa anh em, vị lãnh tụ của Nhân dân Cuba đã đề nghị kết tình bằng hữu. Đáp lại tình cảm nồng nhiệt ấy, bok Núp khiêm tốn nói: “Fidel là chủ tịch, Fidel phải làm anh thôi!”. Nhưng Chủ tịch Fidel lại khăng khăng: “Đồng chí Núp làm anh mới đúng. Cách mạng Cuba phải học tập kinh nghiệm những người anh em đi trước!”.

Ảnh đơn vị cung cấp.

Đáng quý là dù nắm giữ nhiều vai trò, vị trí quan trọng song khi về làng thì người anh hùng vẫn nguyên cốt cách bình dị. Đó là khi ông cùng dân làng Stơr trong nhịp xoang, tham quan mô hình chăn nuôi hay chụp ảnh cùng Vua Lửa tại Ayun Pa… Trong cuốn “Căn cứ địa Khu 10-Những ký ức không quên (tập 1), nhà văn Trung Trung Đỉnh viết: “Về phía chúng tôi thì mỗi người đều đã có sẵn trong lòng mình một Anh hùng Núp huyền thoại, thời anh cùng bà con làng Kông Hoa tổ chức đánh cho thằng Pháp chảy máu. Một anh Núp hồn nhiên, trong sáng nhưng quyết liệt. Hình tượng Anh hùng Núp mà bấy lâu chúng tôi yêu mến, hâm mộ và giờ đây được ở chung càng trở nên sống động, nhất là khi tiếp xúc với ông-một đe anhong Núp bằng xương, bằng thịt, không hề có vẻ gì của một người anh hùng với thái độ bề trên”.

Những hiện vật vô giá

Với khoảng 80 hình ảnh tư liệu từ triển lãm, công chúng có thể sẽ có cảm giác chưa thỏa lòng trước mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn nữa về một “huyền thoại” của Tây Nguyên. Tuy nhiên, thêm vài bước chân, một tổ hợp phong phú và đa dạng tại Bảo tàng tỉnh với nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Anh hùng Núp sẽ đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

Một số hình ảnh về Anh hùng Núp trưng bày tại triển lãm (ảnh đơn vị cung cấp).

Trò chuyện với P.V, chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh-cho hay: Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ bộ sưu tập hiện vật còn khá đầy đủ, nguyên vẹn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng Núp gồm hơn 20 hiện vật với đủ các loại hình, chất liệu. Có thể kể đến chiếc áo vỏ cây gắn bó với ông trong những ngày kháng chiến kham khổ, đói cơm lạt muối, phải lấy vỏ cây đập dập ra làm áo mặc. Năm 1991, khi còn sống, bok Núp đã giúp Bảo tàng tỉnh phục chế hiện vật trên để giúp thế hệ sau hiểu và trân quý một giai đoạn khó khăn, thiếu thốn của dân tộc. Trong bộ sưu tập, đặc biệt nhất vẫn là cây ná giúp Anh hùng Núp lần đầu tiên bắn Pháp chảy máu. Đây cũng là hiện vật quý đã theo ông qua các trận đánh tại đồn Hà Tam, đồn Ka Nak, trận Măng Đen và trận đánh lịch sử tiêu diệt Binh đoàn Cơ động 100 của Pháp những năm 1953-1954. Đó còn là những công cụ lao động, vũ khí như rìu, cuốc, kiếm… mà Anh hùng Núp đã từng sử dụng. Bộ sưu tập ấy còn đáng giá hơn với chiếc xe lăn và bộ vest màu xám thân thuộc gắn liền với ông những năm tháng cuối đời. “Tất cả hiện vật về Anh hùng Núp mãi là tài sản vô giá đối với việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau”-chị An chia sẻ.

Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ kỷ vật mang biểu tượng của tình đoàn kết giữa 2 dân tộc Việt Nam-Cuba, đó là lá cờ Chủ tịch Fidel đã tặng Anh hùng Núp nhân chuyến thăm Cuba. Hiện vật này được xem là biểu tượng cho phong trào cách mạng của Cuba. Lá cờ có hình ngũ giác, bằng vải, bên trái in hình cờ đỏ sao vàng (tượng trưng cho đất nước Việt Nam), bên phải in chân dung Chủ tịch Fidel Castro màu xanh đen. Bên dưới là dãy số từ 1 đến 11 và hàng chữ Tây Ban Nha “ANIVERSARIO 26 de JULIO”, nghĩa là “Dịp kỷ niệm ngày 26 tháng 7”. Dòng chữ mang hàm ý nhắc nhớ sự kiện cuộc tấn công do Fidel Castro chỉ huy nhằm lật đổ chế độ độc tài Batista vào ngày 26-7-1953, tuy thất bại nhưng đã để lại tiếng vang lớn trong lòng người dân Cuba. Dưới cùng của lá cờ in biểu tượng quả địa cầu với 3 cánh tay đưa lên, biểu trưng cho tinh thần đoàn kết Á-Phi-Mỹ Latinh. Sau khi quay trở về Việt Nam, dù trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, ác liệt, Anh hùng Núp vẫn giữ gìn hết sức cẩn thận kỷ vật ấy. Năm 1995, ông trao lại “Cờ Fidel Castro” cho Bảo tàng tỉnh bảo quản, giới thiệu đến người dân và du khách.

Mô hình Làng kháng chiến Stơr tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Ảnh: L.N

Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cho biết thêm: Năm 2023, tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh, mô hình Làng kháng chiến Stơr đã được tái hiện công phu bên cạnh tượng đài Anh hùng Núp. Mô hình xây dựng trên diện tích 227 m2, gồm các hạng mục: đường mòn, sân trung tâm làng Stơr, suối Ktung, núi chính, đồi nhỏ, nhà sàn, kho thóc, nhà rông trung tâm làng. Cùng với đó là bẫy đá, hầm chông, chông treo và các hạng mục bổ trợ khác… Chị An khẳng định: “Việc tái hiện mô hình Làng kháng chiến Stơr nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và phục vụ phát triển du lịch địa phương”.

Có thể bạn quan tâm