Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Anh Lương Hoài Nam: Tỷ phú 9X ở Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên diện tích 1,7 ha đất, anh Lương Hoài Nam (SN 1998, thôn 2, xã Đông, huyện Kbang,tỉnh Gia Lai) đã xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp, mang lại doanh thu gần 3 tỷ đồng/năm.

Anh Nam cho biết: Năm 2021, tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, anh đi làm cho một số công ty. Sau khi tích lũy kinh nghiệm, anh quyết định về quê xây dựng trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Ban đầu, anh nuôi heo thương phẩm và gà thả vườn.

Nhận thấy chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh bàn với gia đình vay vốn đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi và đa dạng hóa các loại vật nuôi. Hiện trang trại của anh có diện tích 7.000 m2 với các chuồng nuôi nhốt được xây dựng theo dãy liên hoàn, thuận tiện cho việc chăm sóc vật nuôi. Chuồng nuôi gà con, gà đẻ trứng, chim cút, bồ câu Pháp được thiết kế rộng rãi, thoáng đãng, trên trần có lớp cách nhiệt; hệ thống máng đựng thức ăn tự động, điện nước đầy đủ.

Bên cạnh đó là các khu đất rộng quây lưới sắt xung quanh để đàn gà, heo rừng tự do chạy nhảy. Riêng khu chăn nuôi heo nái sinh sản, heo thương phẩm thì xây dựng tách biệt, không cho người lạ vào để phòng ngừa dịch bệnh. Diện tích đất còn lại khoảng 1 ha, anh trồng cỏ, rau, chuối, đu đủ làm thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả, cây cảnh tạo bóng mát, không gian xanh cho trang trại. Tổng mức đầu tư cho trang trại khoảng 4 tỷ đồng.

Anh Lương Hoài Nam (thôn 2, xã Đông, huyện Kbang) kiểm tra đàn gà con mới nhập. Ảnh: N.M

Anh Lương Hoài Nam (thôn 2, xã Đông, huyện Kbang) kiểm tra đàn gà con mới nhập. Ảnh: N.M

“Trước đây, tôi chỉ nuôi gà mía. Khoảng 1 năm nay, tôi nuôi thêm gà Đông Tảo, gà đen H’Mông cho chất lượng thịt dai, thơm, được thị trường ưa chuộng.

Hàng tháng, tôi xuất chuồng khoảng 600 con gà trọng lượng 2-2,5 kg/con. Mỗi năm, gia đình còn xuất bán 24 ngàn quả trứng gà. Còn với 150 cặp bồ câu Pháp, hàng tháng, tôi bán cho nhà hàng, người dân trên địa bàn 100 cặp chim ra ràng, giá 140 ngàn đồng/cặp. Tôi còn thu hơn 100 triệu đồng/năm từ bán trứng chim cút và chim cút thịt. Tận dụng khu vườn trồng keo, tôi nuôi ngan, ngỗng để tăng nguồn thu.

Cùng với đó, trang trại duy trì 20 con heo nái để chủ động nguồn giống. Hàng năm, gia đình cung ứng ra thị trường 50 tấn heo thương phẩm, hơn 2 tạ heo rừng. Tổng doanh thu từ mô hình đạt gần 3 tỷ đồng/năm”-anh Nam thống kê.

Để đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, anh Nam chọn mua giống từ các công ty có uy tín trên thị trường. Đồng thời, anh chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; lựa chọn các loại thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gia súc, gia cầm; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại. Nhờ đó, đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh, phát triển tốt.

Trang trại chăn nuôi của anh Nam tạo việc làm ổn định cho 2 lao động tại địa phương và tạo việc làm thời vụ cho 6-10 lao động với mức tiền công 200-250 ngàn đồng/người/ngày.

Làm công trong trang trại chăn nuôi của anh Nam từ năm 2021 đến nay, hàng ngày, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (thôn 3, xã Đông) đến cắt rau, cắt cỏ cho đàn heo rừng, gà, ngan ăn và quét dọn, vệ sinh chuồng trại.

“Mỗi ngày, tôi làm việc 8 tiếng, được trả tiền công 220 ngàn đồng. Ngoài thời gian làm tại trang trại, tôi tranh thủ phụ giúp chồng chăm sóc đàn heo, bò và trồng rau màu. Làm việc trong trang trại, tôi được anh Nam chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và học hỏi nhiều kiến thức bổ ích. Từ đó, tôi biết cách phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc, phát triển chăn nuôi của gia đình”-chị Thúy bộc bạch.

Anh Lương Hoài Nam (thứ 2 bên trái, ở thôn 2, xã Đông, huyện Kbang) chia sẻ cách chăn nuôi, chăm sóc gà nuôi thịt. Ảnh: Ngọc Minh

Anh Lương Hoài Nam (thứ 2 bên trái, ở thôn 2, xã Đông, huyện Kbang) chia sẻ cách chăn nuôi, chăm sóc gà nuôi thịt. Ảnh: Ngọc Minh

Về mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Nam, ông Trịnh Đình Hải-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông-đánh giá: Trang trại này có quy mô lớn, áp dụng những kỹ thuật tiến bộ trong chăm sóc gắn với phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi bằng các loại dược liệu thiên nhiên nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chăn nuôi khép kín góp phần bảo vệ môi trường khu vực nông thôn. Mấy năm nay, trang trại chăn nuôi của anh Nam được nhiều hội viên nông dân trong và ngoài huyện tìm đến tham quan, học hỏi.

“Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Lương Hoài Nam còn chủ động tham gia các hoạt động, phong trào do Hội Nông dân các cấp và địa phương phát động; tích cực đóng góp xây dựng làng, xã nông thôn mới; thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân nghèo phát triển kinh tế.

Anh Nam được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2022-2024”-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm