Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Anh Phạm Khắc Quyến thu tiền tỷ từ nghề nuôi chim yến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với niềm đam mê chăn nuôi từ nhỏ, anh Phạm Khắc Quyến (SN 1983, tổ 2, thị trấn Kbang, tỉnh Gia Lai) đã xây dựng thành công mô hình dẫn dụ chim yến mang lại thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm.

Anh Quyến hiện là giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Nghĩa An). Một lần về thăm người thân tại tỉnh Bình Phước, anh tình cờ biết đến nghề nuôi chim yến nên nảy sinh ý tưởng nuôi yến tại Kbang. Nghĩ là làm, anh đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi yến tại Bình Phước và lên các trang mạng xã hội YouTube, Facebook để tìm hiểu thêm.

Năm 2018, anh Quyến đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà nuôi chim yến theo công nghệ Malaysia với tổng diện tích sàn 300 m2, có trang bị hệ thống âm thanh thu hút chim yến. Phần mái anh thiết kế hệ thống thanh gỗ và bê tông giúp yến dễ dàng làm tổ. Anh còn dành thời gian nghiên cứu tập tính của chim yến cũng như điều kiện thời tiết để loài chim trời có thể sinh sản, phát triển trong môi trường bán tự nhiên.

Hàng năm, gia đình anh Phạm Khắc Quyến thu hoạch 50-60 kg yến, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng. Ảnh: N.M

Hàng năm, gia đình anh Phạm Khắc Quyến thu hoạch 50-60 kg yến, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng. Ảnh: N.M

“5 yếu tố biến nhà bê tông thành nơi sinh sống lý tưởng cho chim yến là âm, ẩm, sáng, khí và nhiệt. Nhờ giải quyết tốt 5 yếu tố này mà tôi dẫn dụ chim yến về làm tổ ngày càng nhiều. Mỗi năm, tôi thu hoạch 50-60 kg yến, giá bán 18-22 triệu đồng/kg yến thô, khoảng 30 triệu đồng/kg yến tinh chế”-anh Quyến chia sẻ.

Ngoài cung ứng sản phẩm tổ yến, anh còn phát triển các dòng sản phẩm yến chưng kết hợp với nguồn dược liệu tại địa phương như: yến chưng với tinh chất nấm linh chi, lan kim tuyến, sâm khỏe, mật ong rừng, yến collagen; yến hũ mix vị cam, vị dâu cho trẻ em; yến dành cho người bị bệnh tiểu đường; yến tăng lực dành cho người chơi thể thao… với giá bán 45-120 ngàn đồng/hũ.

Anh Quyến cho hay: Nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm yến sào thơm ngon, đặc trưng của Kbang, năm 2023, anh đã đăng ký cơ sở yến sào Khánh Hy Kbang và ký kết với Công ty IFood Việt Nam gia công yến hũ. Trong điều kiện vô trùng, sản xuất theo dây chuyền công nghệ yến sào vừa đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm vừa giúp sản phẩm có thời gian bảo quản khoảng 14-18 tháng mà không cần chất bảo quản, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm yến sào, anh Quyến còn tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ. “Tôi mong muốn đưa sản phẩm yến sào tiêu thụ rộng rãi trong nước và hướng tới xuất khẩu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tôi sẽ từng bước đầu tư máy móc phục vụ tinh chế yến; hoàn thiện nhãn mác, bao bì, mẫu mã sản phẩm và xây dựng xưởng sản xuất sản phẩm yến sào, tạo việc làm cho lao động địa phương”-anh Quyến nói.

Đầu năm 2024, anh Quyến đăng ký sản phẩm OCOP yến sào Khánh Hy Kbang; xây dựng nhà yến thứ 3 (tại xã Đông). Hiện nay, nhà yến đã có 200 tổ với gần 500 cặp chim yến sinh sống. Cùng với tạo điều kiện cho những người có sở thích nuôi chim yến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, anh Quyến còn hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật giúp nhiều người cùng nghề nuôi yến khắc phục lỗi kỹ thuật do xây dựng, quá trình khai thác hiệu quả mô hình nuôi chim yến.

Anh Phạm Khắc Quyến-chủ cơ sở yến sào Khánh Hy Kbang (tổ 2, thị trấn Kbang, huyện Kbang) tham gia quảng bá sản phẩm tại Ngày hội Du lịch huyện Kbang năm 2024. Ảnh: N.M

Anh Phạm Khắc Quyến-chủ cơ sở yến sào Khánh Hy Kbang (tổ 2, thị trấn Kbang, huyện Kbang) tham gia quảng bá sản phẩm tại Ngày hội Du lịch huyện Kbang năm 2024. Ảnh: N.M

Anh Phạm Ngọc Thuyết (xã Diên Phú, TP. Pleiku) kể: Trước khi triển khai mô hình nuôi chim yến, anh đã tham quan học hỏi nhiều nơi và thuê công ty tư vấn, thiết kế, xây dựng nhà nuôi. Tuy nhiên, quá trình lắp đặt hệ thống thông gió chưa phù hợp và bên trong nhà nuôi yến để không gian quá rộng nên ảnh hưởng đến nhiệt độ, môi trường sống của chim yến. Điều này dẫn đến yến về ở, trú ngụ rất ít, thậm chí nhiều con đến ở một thời gian rồi bỏ đi.

“Nhờ anh Quyến chỉ ra lỗi kỹ thuật và hướng dẫn cách khắc phục, dần dần có thêm nhiều chim yến đến trú ngụ. Anh Quyến còn giúp tôi kết nối với một số công ty thu mua, tiêu thụ tổ yến”-anh Thuyết chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Toàn huyện có 4 hộ nuôi chim yến với 6 nhà yến. Anh Phạm Khắc Quyến là một trong những người đầu tiên đưa mô hình nuôi chim yến về Kbang, mở ra hướng chăn nuôi mới trên địa bàn. Trong quá trình hoạt động, cơ sở yến sào Khánh Hy Kbang luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Thời gian qua, huyện đã tạo điều kiện để anh Quyến tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ. Phòng cũng đã hướng dẫn cơ sở yến sào Khánh Hy Kbang hoàn thiện hồ sơ để trình Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện trong năm 2024.

Có thể bạn quan tâm