Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Anh quyết 'ăn thua' với Trung Quốc ở Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sắp chính thức vận hành ban đầu và nhiều khả năng sẽ sớm được gửi đến Biển Đông theo kế hoạch, bất chấp việc Trung Quốc phản ứng.

2 tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (phải) và HMS Prince of Wales của Anh - Ảnh: Daily Mail
2 tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (phải) và HMS Prince of Wales của Anh - Ảnh: Daily Mail


Có thể sớm triển khai

Hải quân Anh vừa thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của nước này đã đạt được khả năng vận hành ban đầu. Điều đó có nghĩa là kể từ khi nhận chỉ đạo thì trong vòng 5 ngày, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng với phi đoàn gồm chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 và các máy bay trực thăng, tàu hộ tống, khinh hạm, tàu ngầm cùng tàu tiếp dầu có thể sẵn sàng triển khai, theo chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Steve Moorhouse. Như vậy, sau hàng chục năm, hải quân Anh đã chính thức sở hữu trở lại nhóm tác chiến tàu sân bay. Dự kiến, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ có khả năng vận hành đầy đủ vào cuối năm 2023. Ngoài ra, cùng thuộc lớp Queen Elizabeth, còn có tàu sân bay HMS Prince of Wales cũng đang được hoàn thiện để hải quân Anh sớm đưa vào vận hành.


Thông qua mạng xã hội Twitter, chỉ huy Moorhouse cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay này sắp được triển khai hoạt động mà qua đó là minh chứng của việc London cam kết “duy trì an ninh toàn cầu”. Chính vì thế, dù ông không nói rõ nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ được triển khai đến khu vực nào, nhưng nhiều khả năng sẽ là Biển Đông.

Bởi thời gian qua, nhiều quan chức quốc phòng Anh đã công khai kế hoạch điều động nhóm tác chiến tàu sân bay đến Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.


Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Anh khi đó là ông Gavin Williamson từng nói rằng sẽ đưa tàu sân bay cùng chiến đấu cơ tàng hình đến khu vực “mà Trung Quốc đang hiện đại hóa sức mạnh quân sự”. Hồi năm 2017, khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth vừa được bàn giao, quan chức Bộ Quốc phòng Anh từng công bố tàu này sẽ thực hiện chuyến hải hành đầu tiên với lộ trình từ Anh đến Thái Bình Dương, có đi qua Biển Đông. Đến cuối năm ngoái, nguồn tin từ Nhật Bản tiết lộ tàu sân bay của Anh sẽ sớm có mặt ở một vùng biển “gần Nhật Bản” và có thể hai nước sẽ tập trận chung.

Trong cuộc họp báo ngày 2.1, khi được hỏi về việc Anh dự định điều tàu sân bay đến Biển Đông, phát ngôn viên Đàm Khắc Phi của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đe dọa rằng quân đội Trung Quốc “sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Đánh chặn từ xa ?

Gần đây, London liên tục chỉ trích và phản ứng đối với tuyên bố chủ quyền do Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông. Đầu tháng 9.2020, Bộ Ngoại giao Anh công bố lập trường về các vấn đề pháp lý tại Biển Đông và đặc biệt nhấn mạnh đến việc tuân thủ Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) và phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Cũng trong tháng 9.2020, Anh cùng Pháp và Đức gửi công hàm lên LHQ phản đối những yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Khi đó, trả lời Thanh Niên, GS luật quốc tế Jonathan G.Odom, thuộc Trung tâm George C.Marshall về an ninh châu Âu tại Garmisch -Partenkirchen (Đức), nhận xét: “Nhiều quốc gia khác, bao gồm cả nhiều nước châu Âu, có lợi ích ở Biển Đông, chứ không phải chỉ tồn tại cạnh tranh Mỹ - Trung ở vùng biển này”. Thực tế, một số nước châu Âu khác như Đức và Pháp cũng đã lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Đầu tháng 12.2020, ông Nicolas Chapuis, Đại sứ EU ở Trung Quốc, kêu gọi EU và Mỹ nên hợp tác để chống lại những chiêu trò cưỡng chế ngoại giao của Bắc Kinh, đồng thời phối hợp với các bên liên quan vấn đề Biển Đông.

Bên cạnh đó, hồi tháng 10.2020, truyền thông quốc tế dẫn lời đô đốc Tony Radakin, Tư lệnh hải quân Anh, cho rằng biến đổi khí hậu khiến băng tan, nên tuyến hàng hải chạy theo vùng biển ngoài khơi nước Nga, xuyên qua Bắc Băng Dương thì tàu biển có thể đến châu Âu mà không cần tàu phá băng suốt nhiều tháng trong năm.

Từ đó, đô đốc Tony Radakin đặt ra rủi ro Trung Quốc với lực lượng tàu chiến ngày càng hùng hậu có thể dễ dàng tiếp cận châu Âu bằng nhiều hướng. Tuyến hàng hải phía bắc, vượt qua Bắc Băng Dương, rút ngắn thời gian từ 10 - 12 ngày so với tuyến hàng hải phía nam truyền thống (từ Trung Quốc đi đến Biển Đông, lần lượt qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương rồi đến châu Âu).

Vì thế, việc điều động nhóm tàu sân bay đến hoạt động ở Biển Đông là một trong những biện pháp giúp Anh có thể “đánh chặn” từ xa nhằm kiểm soát các hoạt động của hải quân Trung Quốc từ sớm.

 

Theo HOÀNG ĐÌNH (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm