Sống trẻ - Sống đẹp

Ảo mộng làm giàu từ mạng xã hội của nhiều bạn trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều bạn trẻ bỏ học để lao vào mạng xã hội với giấc mơ nổi tiếng và kiếm nhiều tiền, nhưng đó không hề là con đường dễ dàng.

Yaman Agarwal (19 tuổi) trong một video dạy nấu ăn tại kênh CookingShooking trên YouTube
Yaman Agarwal (19 tuổi) trong một video dạy nấu ăn tại kênh CookingShooking trên YouTube



Báo cáo xu hướng giới trẻ mới đây của Hãng khảo sát Ypulse cho thấy nhiều người trẻ thời nay không còn là người tiêu dùng mà trở thành vlogger, YouTuber hoặc Instagrammer với hàng trăm ngàn người hâm mộ trên mạng xã hội. Dù vậy, con đường trở thành người nổi tiếng không rộng mở với tất cả.

Bỏ học làm Youtuber

Ở phương Tây, những ngôi sao YouTube hàng đầu như PewDie-Pie, Roman Atwood và Lily Singh kiếm được lần lượt 15 triệu USD (340 tỉ đồng), 8 triệu và 7,5 triệu USD trong năm 2016. Trong khi đó, lĩnh vực live stream (phát video trực tuyến) ở châu Á tăng trưởng mạnh, nhất là tại Trung Quốc với doanh thu từ 9 tỉ nhân dân tệ (50.000 tỉ đồng) hồi năm 2015 lên 15 tỉ nhân dân tệ vào năm 2016, theo báo cáo của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS). Thu nhập "khủng", sự nổi tiếng và làm việc tự do là những yếu tố chính lôi cuốn giới trẻ châu Á vào công việc đầy may rủi này.

Các cuộc khảo sát cho thấy nhiều bạn trẻ từ châu Á đến châu Âu có chung xu hướng không còn kỳ vọng trở thành kỹ sư, bác sĩ hay luật sư mà muốn trở thành ngôi sao internet. Thậm chí có người bỏ học hoặc việc làm, dồn tiền bạc, công sức quay video. Trong số đó là YouTuber Yaman Agarwal (19 tuổi) ở TP.Hyderabad (Ấn Độ) bỏ học đại học và mở kênh dạy nấu ăn CookingShooking thành công, với 500.000 người đăng ký theo dõi và hàng chục video có số lượt xem từ 30.000 - 2 triệu, theo tờ Economics Times.

Một trường hợp khác, ngôi sao internet Trương Phối Phối (26 tuổi) ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ: "Tôi kiếm 200.000 nhân dân tệ/tháng, gấp 10 lần thu nhập làm người mẫu trước đây". Hằng tuần, cô làm chương trình trực tuyến từ du ngoạn Bắc Kinh đến sự kiện game online, quảng cáo xe, mỗi lần thu hút khoảng 400.000 người xem.

Các ngôi sao YouTube chia sẻ công việc này đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, sẵn sàng làm việc 24/7 cùng với chiến lược dài hạn để duy trì kênh của họ. Ông Satya Raghavan, đại diện YouTube ở Ấn Độ, lưu ý: "Kênh có những video thu hút từ 1 triệu lượt view trở lên, cùng khoảng 100.000 lượt người đăng ký theo dõi và liên tục cập nhật mới có thể giữ chân nhà quảng cáo".

Đời không như là mơ

Trong bài viết trên trang Recode, ông Max Benator, nhà sáng lập Supergravity Pictures chuyên sản xuất video online, lưu ý thực tế không có nhiều người nổi tiếng nhờ vào mạng xã hội hay YouTube. "Nếu bạn nghĩ lên YouTube kiếm tiền, thì sẽ không bao giờ có", nam diễn viên hài độc thoại nổi tiếng Ấn Độ Abish Mathew chia sẻ. Bản thân Mathew ngoài việc duy trì kênh YouTube còn phải kiếm thêm nhà tài trợ và tham gia chương trình talk show để có thêm thu nhập. “Có khi nguồn thu từ quảng cáo - đã bị YouTube lấy đi 45%, chưa kể tiền thuế - chỉ đủ sống hoặc vừa đủ trả tiền cho nhóm thực hiện video”, nữ ca sĩ - YouTuber Ấn Độ Vidya Vox chia sẻ.


Trong nỗ lực định hướng giới trẻ, truyền thông Trung Quốc gần đây phản ánh nhiều góc độ "ít hào nhoáng" của ngành live stream. "Đây là công việc không hề nhẹ nhàng, lại dễ bị đào thải", cô Trương, có trên 3,9 triệu fan trên trang live stream Yizhibo, lưu ý.

Tờ Beijing News dẫn lời cô gái 19 tuổi họ Hoàng cho biết hằng ngày cô phải hát, chat trực tuyến với người xem suốt 6 - 15 giờ trong căn phòng chật hẹp tại công ty chuyên làm live stream, tất cả chỉ vì thu nhập 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng, thấp hơn lương bình quân ở Bắc Kinh là 6.070 nhân dân tệ/tháng. Trong bài viết gần đây, blogger người Mỹ Cory Groshek cay đắng kể về chuyện bản thân bị trầm cảm, mất phương hướng và thất nghiệp sau thời gian nỗ lực duy trì kênh YouTube với lợi nhuận quảng cáo từ hơn 600 USD/tháng sụt giảm xuống con số 0.

Thẩm Quân (27 tuổi), nhà sáng lập công ty quảng cáo quản lý khoảng 100 “ngôi sao” live stream ở Bắc Kinh, lưu ý: “Ngày càng nhiều kênh ra đời và người xem thì đòi hỏi nội dung phong phú hơn. Sự cạnh tranh giờ đây quá khốc liệt cho bất kỳ ai muốn trở thành ngôi sao internet”.

Phúc Duy (Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm