Kinh tế

Áp dụng hệ thống quản lý kỹ thuật tiên tiến: Nâng tầm sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được xem là một trong những hệ thống quản lý kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay, hệ thống HACCP và ISO 22000:2018 góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP trên thị trường.

Thời gian qua, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) đã triển khai có hiệu quả mô hình điểm về áp dụng hệ thống này trong sản xuất.

Theo ông Ngô Xuân Hòa-Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, HACCP và ISO 22000:2018 đều sử dụng các công cụ, quy trình để kiểm soát việc sản xuất ra sản phẩm an toàn, hướng tới việc quản lý an toàn thực phẩm. HACCP được coi là một hệ thống quy trình giúp doanh nghiệp, cơ sở xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy đáng kể đối với an toàn thực phẩm. Còn ISO 22000:2018 được áp dụng trong chuỗi cung ứng thực phẩm như: chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất chất phụ gia, chế biến thực phẩm, nhà kinh doanh phân phối, vận chuyển, bao bì đóng gói… “Tháng 8-2023, Trung tâm đã triển khai mô hình điểm về áp dụng hệ thống này trong sản xuất tại huyện Krông Pa. Ngoài ứng dụng HACCP và ISO 22000:2018, chúng tôi còn triển khai hệ thống quản lý chất lượng như: truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sở hữu trí tuệ thương hiệu, nhãn hiệu… cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản. Theo đó, đã nâng cấp, hoàn thiện 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao lên OCOP 4 sao cấp tỉnh; hoàn thiện 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện”-ông Hòa cho biết.

Măng le rừng là 1 trong 4 sản phẩm của hộ kinh doanh Ngọc Thạch (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) được ứng dụng hệ thống quản lý kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay. Chị Võ Thị Thạch-Chủ cơ sở kinh doanh Ngọc Thạch-cho hay: “Krông Pa có nguồn nguyên liệu đa dạng như: măng le, thịt bò, thịt heo... Do vậy, các hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương đang từng bước tiếp cận để đưa sản phẩm nông sản địa phương vươn ra thị trường.

Chính vì vậy, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cấp sản phẩm là hết sức cần thiết. Sau khi được các chuyên gia hướng dẫn ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng như: ISO 22000:2018, HACCP, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ thương hiệu, nhãn hiệu… chúng tôi cũng tập trung đầu tư máy móc để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cuối năm 2023, sản phẩm măng le rừng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện”.

Măng le rừng là một trong 4 sản phẩm của hộ kinh doanh Ngọc Thạch (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) kỳ vọng vươn ra thị trường sau khi được nâng cấp lên OCOP 3 sao cấp huyện. Ảnh: Mai Ka

Măng le rừng là một trong 4 sản phẩm của hộ kinh doanh Ngọc Thạch (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) kỳ vọng vươn ra thị trường sau khi được nâng cấp lên OCOP 3 sao cấp huyện. Ảnh: Mai Ka

Phấn khởi khi sản phẩm thịt bò một nắng được nâng cấp từ OCOP 3 sao lên OCOP 4 sao cấp tỉnh, chị Trần Thị Mỹ Hiền-Đại diện cơ sở bò một nắng Tuấn Hậu (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) chia sẻ: “Việc ứng dụng HACCP và ISO 22000:2018, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sở hữu trí tuệ thương hiệu, nhãn hiệu… đã giúp nâng cao nhận thức, trình độ cho người lao động tại cơ sở sản xuất. Với việc được nâng cấp sản phẩm thịt bò một nắng lên OCOP 4 sao cấp tỉnh, chúng tôi tự tin từng bước khẳng định thương hiệu và chiếm được lòng tin của thực khách trong cả nước bởi chất lượng cao, hương vị đặc trưng”.

Quá trình sản xuất sản phẩm đạt yêu cầu của hệ thống quản lý kỹ thuật tiên tiến HACCP, ISO 22000:2018, hệ thống truy xuất nguồn gốc trong sản xuất thực phẩm cùng với việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và công bố chất lượng sản phẩm góp phần hỗ trợ các cơ sở xuất khẩu sản phẩm. Sản phẩm sau khi được quản lý bằng hệ thống quản lý kỹ thuật tiên tiến sẽ nhanh chóng được kiểm soát chất lượng trong toàn bộ quá trình sản xuất, giúp sản phẩm đảm bảo và ngày càng nâng cao chất lượng, giảm tỷ lệ sai sót và hư hỏng dẫn đến các thiệt hại kinh tế cho cơ sở sản xuất.

Bên cạnh chất lượng sản phẩm tốt, bao bì, nhãn mác sản phẩm và câu chuyện sản phẩm sẽ là “cầu nối” giúp người tiêu dùng hiểu hơn về bản chất, mục đích, quy trình sản xuất sản phẩm. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, sau khi đánh giá, phân hạng, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh theo Bộ tiêu chí OCOP sẽ góp phần gia tăng sự tin tưởng của khách hàng vào sản phẩm. Từ đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở, hộ kinh doanh, giúp sản phẩm của họ ngày càng phát triển.

Ngoài ứng dụng HACCP và ISO 22000:2018, bò một nắng Tuấn Hậu (huyện Krông Pa) còn được triển khai hệ thống quản lý chất lượng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sở hữu trí tuệ thương hiệu, nhãn hiệu. Ảnh: M.K

Ngoài ứng dụng HACCP và ISO 22000:2018, bò một nắng Tuấn Hậu (huyện Krông Pa) còn được triển khai hệ thống quản lý chất lượng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sở hữu trí tuệ thương hiệu, nhãn hiệu. Ảnh: M.K

“Kết quả từ mô hình này sẽ tạo điều kiện để Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ cho huyện nhà, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, việc ứng dụng hệ thống quản lý kỹ thuật tiên tiến góp phần nâng cấp sản phẩm OCOP trên địa bàn; đồng thời giúp các cơ sở và hộ kinh doanh khắc phục hạn chế, quản lý chất lượng sản phẩm từng bước có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống kinh tế-xã hội tại địa phương”-ông Hòa nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm