Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Áp lực học, áp lực thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 10-4, dư luận cả nước rúng động khi một học sinh ở Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP. Hồ Chí Minh) nhảy từ lầu 4 tự tử, để lại thư tuyệt mệnh nói rằng em chịu nhiều áp lực thành tích học tập từ gia đình. Cái chết của học sinh lớp 10 này có lẽ là giọt nước tràn ly về căn bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay, bệnh thành tích của nhà trường và bệnh thành tích của cha mẹ học sinh.

Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình giỏi giang, xuất chúng. Nhà trường nào cũng muốn có thành tích cao trong dạy-học, càng nhiều học sinh đạt giải quốc gia, giải quốc tế càng vinh dự, tự hào. Cha mẹ thì ngay từ khi con chưa vào lớp 1 đã cho học thêm, học kèm, để cháu biết đọc, biết viết, ngay từ lớp 1 kết quả học tập của cháu đã luôn xuất sắc. Mặc dù ngành Giáo dục và Đào tạo đã khuyến cáo, cấm đoán việc các em học trước chương trình, cấm giáo viên Tiểu học dạy thêm, song thực tế trên địa bàn TP. Pleiku như thế nào? Tôi nhớ mãi năm cậu con trai vào lớp 1.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vì nghe theo chủ trương không cho cháu học trước, viết trước, kết quả là những tháng đầu của năm lớp 1, cháu rất vất vả khi học theo các bạn, bởi cô giáo dạy theo kiểu các cháu đã biết chữ cả rồi! Mà thực tế đa số các cháu đều học trước, số chưa biết đọc, biết viết trở thành học sinh cá biệt của đầu lớp 1! Những năm cháu học Tiểu học, lại chứng kiến cảnh cười ra nước mắt khi cô giáo vận động học thêm, mặc dù đã học bán trú từ sáng đến chiều. Tối, lại đến nhà cô để học, cứ vài tháng cô lại thay đổi địa điểm một lần vì sợ lộ việc dạy thêm. Bạn nào học thêm cô, được ưu ái, lên lớp trả bài trôi chảy; bạn nào không học thêm, cô mặt nặng mày nề, khiến các cháu dù nhỏ cũng đã nhận ra khuôn mặt thật của cô. Cái sự tôn sư, trọng đạo, quý mến thầy cô của các cháu, của phụ huynh về môi trường giáo dục trong sáng sớm bị phủ bóng đen.

Từ việc học thêm thầy cô thì điểm tốt, không học thêm thì điểm kém, nên kết quả học tập thông qua điểm số không phản ánh thực chất trình độ nhận thức của học sinh. Nhiều phụ huynh vì muốn con có điểm cao đã cho con học thêm hết môn này đến môn khác, sợ môn nào không học thì con mình điểm thấp. Về phía thầy cô, không ít trường hợp lên lớp dạy qua loa đại khái, để dành kiến thức về nhà dạy thêm. Không ít thầy-cô giáo là bạn với tôi nói thẳng rằng, điểm số về thực chất không phản ánh đúng kết quả học tập nếu các em học thêm thầy cô bộ môn.

Môi trường giáo dục nhiều nơi vẩn đục từ sớm, vì thế áp lực học, thi còn có ý nghĩa gì?!

Vì sao hầu hết các nước trên thế giới, giáo dục phổ thông của họ nhẹ nhàng, mỗi ngày học sinh đến lớp là mỗi ngày vui, dạy kiến thức chỉ là một phần của những giờ trên lớp, thầy-cô giáo thân thiện với học sinh, trong khi ở nước ta áp lực học tập, thi cử nói mãi vẫn hết sức nặng nề? Thử hỏi có bao nhiêu phần trăm học sinh đi học vì tình yêu với môn học, vì ham thích khám phá thế giới mà các em chưa hiểu biết; bao nhiêu phần trăm học sinh phải học vì điểm cao, vì ba mẹ, vì theo kịp bạn bè, nghĩa là động lực học tập không phải tự thân.

Bây giờ học sinh ở phố, em nào không học cua, học kèm là có vấn đề: Gia đình quá khó khăn hoặc các em quá cá biệt. Phải học, học và học. Áp lực của việc học khiến các em không có thời gian, điều kiện vui chơi, giải trí. Muốn giải trí lại tìm sang thái cực khác ở không gian ảo từ internet. Trên các trang mạng xã hội ấy không có vai trò của ông bà, cha mẹ, không có lời khuyên của thầy cô, của người lớn, các em tự do tung tẩy, nói theo bản năng, làm theo sở thích. Một thế giới tuổi trẻ rất phức tạp trên mạng xã hội, đặc biệt là facebook. Các em giải tỏa áp lực học hành thi cử thông qua thế giới ảo để khẳng định cá tính, khẳng định nhân cách thiếu sự dẫn dắt của người lớn, nguy hiểm khôn lường.

Chỉ còn vài ba tuần nữa là đến kỳ thi hết năm học, giờ là thời cao điểm học sinh ôn tập để thi cử kiếm điểm, quyết định thành tích học tập cả một năm. Áp lực học, áp lực thi tăng dần cường độ. Mà nào mấy ai học giỏi suốt các năm trở thành người giỏi cả cuộc đời? Có người thi mãi không đậu đại học hoặc học mãi không lấy được bằng đại học, song có hàng ngàn cử nhân, hàng trăm tiến sĩ đi làm thuê cho họ. Không ít người học xong đại học, khư khư tư duy làm nhân viên cho một công ty, một đơn vị nào đó kiếm cơm; ngược lại nhiều người học không đến nơi đến chốn lại quyết tâm tìm kiếm cơ hội để làm chủ, làm người quản lý, điều hành.

Nói thế để thấy rằng không nên nặng nề vào học hành, thi cử, điểm số, để giảm áp lực cho các em, để các em có tuổi thơ, có tuổi trẻ, để các em biết mình là ai, không phải phấn đấu vì thanh danh cha mẹ. Tuổi trẻ cần học tập tích lũy kiến thức, xây dựng nhân cách. Đối với nước ta hiện nay, con đường tiến thân thông qua học tập vẫn là con đường được đại đa số gia đình lựa chọn. Các em học lên đại học, thạc sĩ, tiến sĩ càng tốt, không học được thì đi làm kiếm sống nuôi thân cũng tốt, hơn là để các em chịu quá nhiều áp lực học hành, thi cử dẫn đến tâm thần, loạn trí, quẫn trí.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm