Có một "lằn ranh đỏ mờ" mà Trung Quốc muốn áp đặt trên biển Đông: Họ chấp nhận các phản đối về quân sự hóa và xây dựng đảo nhân tạo nhưng không thích bị nhắc đến phán quyết của tòa án quốc tế. Giờ đây, các nước ASEAN không còn "chiều" Bắc Kinh nữa!
Theo tờ South China Morning Post ngày 22-8, cho đến gần đây, 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dường như chấp nhận "lằn ranh đỏ mờ" bất thành văn này từ nước láng giềng khổng lồ.
Phán quyết của tòa án quốc tế được nhắc tới chính là do Toà Trọng tài - thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) - đưa ra trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc tại The Hague - Hà Lan năm 2016.
Phán quyết dài gần 500 trang sau hơn ba năm thụ lý vụ kiện bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông. Trung Quốc đã bác bỏ nó.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan tập trận ở biển Đông. Ảnh: EPA |
Dù phán quyết đem lại lợi thế cho các bên tranh chấp Đông Nam Á nhưng ASEAN ít khi viện dẫn phán quyết này chống lại Trung Quốc. Thay vào đó, ASEAN luôn chỉ ra rằng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, cần phải làm cơ sở cho bất kỳ hướng giải quyết nào về tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ trên biển Đông.
Bắc Kinh cũng lập luận rằng các bên tranh chấp ASEAN bị ràng buộc bởi một văn kiện năm 2002 - Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) - để giải quyết tranh chấp chứ không phải thông qua một cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay bắt đầu có thay đổi. Trong bối cảnh biển Đông nổi lên trong năm nay như một đấu trường chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington, một số học giả cho rằng các nước Đông Nam Á sắp thực hiện một chiến thuật mới.
Trong các bình luận công khai gần đây, các nhà nghiên cứu pháp lý nói rằng các bên tranh chấp ở Đông Nam Á có thể đã sẵn sàng cho một giai đoạn leo thang mới về mặt luật pháp.
Một giàn khai thác dầu ngoài khơi của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Ông Robert Beckman, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách đại dương thuộc Trung tâm Luật Quốc tế, ĐHQG Singapore, nói trong một hội thảo vào ngày 12-8: "Rõ ràng là đã có sự thay đổi trong thái độ, tôi nghĩ rằng một phần do Trung Quốc ngày càng bị coi là mối đe dọa đối với trật tự dựa trên UNCLOS cũng như với nguồn tài nguyên đại dương trong khu vực".
Bằng chứng rõ ràng nhất là một loạt các công hàm ngoại giao mà các quốc gia liên quan tới tranh chấp biển Đông trong ASEAN và cả các quốc gia không tuyên bố chủ quyền như Mỹ và Úc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc trong 9 tháng qua để phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc.
Các công hàm này không phải là công hàm ngoại giao thông thường giữa các quốc gia, mà được đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc với yêu cầu chúng được chuyển đến các quốc gia thành viên khác.
"Cuộc chiến công hàm" về biển Đông phát sinh sau một công hàm do Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hiệp Quốc vào tháng 12-2019. Mới nhất, hôm 20-8, Philippines gửi công hàm ngoại giao phản đối lực lượng Trung Quốc tịch thu ngư cụ của ngư dân nước này ở biển Đông.
Tàu chiến Mỹ USS Gabrielle Giffords di chuyển gần tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia ngày 12-5. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Nhà quan sát Úc Bec Strating cho biết Mỹ hy vọng lập trường mới về tranh chấp ở biển Đông sẽ thúc đẩy các bên tranh chấp Đông Nam Á xây dựng mặt trận thống nhất.
Ông Tống Học, một nhà nghiên cứu của Đại học Phúc Đán nghiên cứu các dự án phát triển chung ở vùng biển tranh chấp, cho biết Bắc Kinh khó có thể đàm phán các dự án phát triển chung nếu các bên tranh chấp ASEAN đưa ra một vụ kiện trọng tài mới.
Theo H.Bình (NLĐO/SCMP)