Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Ayun Pa bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Du lịch cộng đồng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển tại thị xã Ayun Pa. Việc khai thác hiệu quả tiềm năng này vừa góp phần phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo buôn làng, cải thiện cuộc sống người dân, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc bản địa.

Từ dự án bảo tồn văn hóa

Năm 2021, Dự án “Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa dân tộc Jrai tại xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, Gia Lai” của chị Ksor H'Nhi (buôn Rưng Ma Nin, xã Ia Rbol) được Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam lựa chọn tài trợ thực hiện. Dự án mở ra cơ hội bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng. Dự án đang triển khai với việc thành lập Câu lạc bộ Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa Jrai gồm 50 thành viên nhằm mục đích truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Bộ chiêng được lựa chọn làm học cụ truyền dạy là chiêng cổ còn lưu giữ tại địa phương. Nghệ nhân Ksor Tuân là người trực tiếp truyền dạy cách diễn tấu cồng chiêng cho các thành viên Câu lạc bộ. Theo ông, mặc dù đã quen với âm thanh cồng chiêng từ nhỏ nhưng để biểu diễn một cách thuần thục, có hồn là không đơn giản, đòi hỏi thời gian và công sức, đam mê. “Thật vui khi nhiều bạn trẻ vẫn còn đam mê tìm hiểu nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Tôi dành tất cả tâm huyết để trong thời gian ngắn nhất giúp các bạn trẻ có thể biểu diễn thành thạo một số bài chiêng cổ, phục vụ trong các lễ hội truyền thống của làng”-nghệ nhân Ksor Tuân bộc bạch.

Bảo tồn văn hóa truyền thống, từ đó phát triển du lịch cộng đồng là điều mà Dự án giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa dân tộc Jrai tại xã Ia Rbol của chị Ksor H'Nhi mong muốn hướng đến. Ảnh: Vũ Chi
Bảo tồn văn hóa truyền thống, từ đó phát triển du lịch cộng đồng là điều mà Dự án giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa dân tộc Jrai tại xã Ia Rbol của chị Ksor H'Nhi mong muốn hướng đến. Ảnh: Vũ Chi


Là người trực tiếp thực hiện dự án, chị Ksor H'Nhi tâm sự: Linh hồn của một dân tộc là văn hóa. Tuy nhiên, những nét đẹp văn hóa cũng như phong tục của người Jrai đang dần mai một. Trước đây, tối tối tiếng cồng chiêng âm vang khắp buôn làng, thanh niên nam nữ rủ nhau đánh chiêng, nhảy xoang đông vui. Nhưng hiện nay, cồng chiêng thưa vắng dần, thanh-thiếu niên rất ít người biết đánh chiêng, đặc biệt là chiêng cổ. Khi thế hệ già dần khuất núi cũng là lúc các bạn trẻ mất đi cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, mục đích của dự án là nhằm khôi phục, giữ gìn, lan tỏa các giá trị văn hóa của người Jrai, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng. Được sự giúp đỡ của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, một bộ tài liệu về cồng chiêng đã được cấp phát cho các thành viên, giúp các bạn hiểu chung về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, các loại chiêng và những kiến thức cơ bản về cồng chiêng của người Jrai.

Hiện tại, chị Ksor H'Nhi đang là Tổ trưởng Tổ trồng nấm sạch tại xã Ia Rbol. Dự định của chị khi thực hiện dự án về văn hóa là trên cơ sở bảo tồn văn hóa truyền thống sẽ hình thành tour du lịch cộng đồng. Du khách khi tham gia tour ngoài việc được hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng thông qua các lễ hội truyền thống còn được trải nghiệm quy trình trồng nấm sạch và trực tiếp hái nấm để thưởng thức. “Với việc phát triển du lịch cộng đồng, bà con dân tộc thiểu số tại địa phương sẽ được hưởng lợi trực tiếp, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống”-chị H'Nhi trải lòng.

Tại buổi sinh hoạt truyền dạy cồng chiêng của Câu lạc bộ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đã chia sẻ: So với các dân tộc miền núi phía Bắc, các cô gái Jrai ở Tây Nguyên rất đẹp, hát hay, múa dẻo nhưng vì hạn chế trong giao tiếp nên chưa thể phát triển du lịch cộng đồng. Làm du lịch thực chất không khó, miễn người dân có hiểu biết, kỹ năng. Hãy đem những câu chuyện cổ, những câu chuyện đời thường như cách làm rượu cần, cách dệt được tấm thổ cẩm đẹp… để chia sẻ với du khách, chắc chắn sẽ thu hút được họ. Dự án được đầu tư là cơ hội để địa phương không chỉ thêm điều kiện bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng mà còn là dịp để văn hóa truyền thống được lan tỏa, là cơ hội để “xuất khẩu văn hóa”, từ đó phát triển du lịch cộng đồng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương.

Đến cơ hội quảng bá du lịch

Thị xã Ayun Pa sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ như Khu di tích mộ nhà giáo Nay Der, Di tích chiến thắng đường 7-sông Bờ, thung lũng hồng, khu du lịch Suối Đá, khu vực bờ kè Bến Mộng… Đây là những điểm đến ưa thích với du khách ưa trải nghiệm, khám phá, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Nhà rông truyền thống nằm trong thiết kế tại công viên Bến Mộng gợi nhắc ký ức một thời về bến nước con đò xưa. Bên cạnh thiên nhiên kỳ thú, đặc sản cá chốt sông Ba là món ăn thu hút du khách khi có dịp nghỉ chân tại vùng thung lũng Cheo Reo. Mô hình nuôi chim yến, sản phẩm yến sào đặc trưng của Ayun Pa cũng là lĩnh vực thu hút sự tò mò, khám phá với du khách. Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, thị xã Ayun Pa dự kiến tạo trang web du lịch để quảng bá hình ảnh con người, địa điểm, ẩm thực, nông sản đặc trưng của mình tới du khách trong và ngoài tỉnh.

 Nghệ nhân Ksor Tuân truyền dạy cồng chiêng cho các thành viên Câu lạc bộ Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa Jrai tại xã Ia Rbol. Rbol. Ảnh: Vũ Chi
Nghệ nhân Ksor Tuân truyền dạy cồng chiêng cho các thành viên Câu lạc bộ Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa Jrai tại xã Ia Rbol. Ảnh: Vũ Chi



Với truyền thống văn hóa phong phú, hàng năm, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống như: nghi thức cúng cầu mưa, cúng bến nước. Bên cạnh đó, nhiều phong tục, lễ cúng truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa vẫn được bảo tồn như: cúng lúa mới, cúng cầu mùa, cúng thổi lỗ tai, cúng mong sức khỏe, cúng nhà mới, cúng xả xui, lễ cưới truyền thống… Nếu như lễ cúng cầu mưa, cúng bến nước thường chỉ tổ chức một lần trong năm, giới hạn số lượng người để đảm bảo tính linh thiêng thì các nghi lễ còn lại có thể tổ chức vào bất kỳ thời gian nào. Đây sẽ là những trải nghiệm thú vị và điều kiện để du lịch cộng đồng phát triển.

Ông Nay Pôl-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rbol-cho hay: Những năm gần đây, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa. Ngoài các lễ hội truyền thống được phục dựng, Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm được thành lập do bà Rchâm HChe (buôn Rưng Ma Rai) làm Chủ nhiệm gồm 30 người nhằm truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ cũng như chia sẻ kinh nghiệm, tạo sản phẩm thổ cẩm đẹp mắt đưa ra thị trường, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con lúc nông nhàn. Hiện tại, số nghệ nhân biết đánh chiêng cổ, tạc tượng, dệt thổ cẩm trên địa bàn xã không còn nhiều. “Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống thì cần có nguồn kinh phí, sau đó là sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Dự án bảo tồn văn hóa truyền thống đang được triển khai tại xã là cơ hội để địa phương quảng bá văn hóa bản địa, trên cơ sở đó phát triển du lịch cộng đồng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con”-ông Pôl đề xuất.

Trao đổi với P.V, bà Đặng Thị Thanh Vân-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Ayun Pa-cho biết: Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thị xã đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo dự kiến, trong năm 2022, thị xã sẽ tổ chức lễ hội cồng chiêng gắn với du lịch cộng đồng, trải nghiệm kết hợp với Hội chợ hàng nông sản sạch cùng các gian hàng ẩm thực, đồ uống, các hoạt động văn hóa-thể thao mang đậm bản sắc văn hóa bản địa phục vụ du khách. Từ đó, thị xã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch trên địa bàn.

 

 VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm