Chính trị

Bác Hồ - tấm gương vĩ đại, cao đẹp nhất của phong trào thi đua yêu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2023), chúng ta lại càng nhớ về Bác - tấm gương vĩ đại nhất, cao đẹp nhất, thuyết phục nhất của phong trào thi đua yêu nước.






Tranh Cổ động kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung (Hà Nam) vừa được phát hành năm 2023. Ảnh: Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch)

Tranh Cổ động kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung (Hà Nam) vừa được phát hành năm 2023. Ảnh: Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch)

Thống nhất giữa nói và làm

Tư tưởng về “thi đua yêu nước” của Bác Hồ chính là một trong những di sản quý báu mà Người để lại cho Cách mạng Việt Nam và hiện vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người Việt Nam đầu tiên nêu lên và gắn kết một cách tài tình giữa yêu nước với thi đua, chỉ ra mối quan hệ bản chất giữa hai phạm trù, hai thành tố này với nhau. Chính điều này đã tạo cho phong trào thi đua yêu nước tinh thần mạnh mẽ, bền vững và luôn gắn liền với sự phát triển của dân tộc.

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư tưởng và hành động là một vấn đề có tính nguyên tắc.

Do đó, Người không chỉ đưa ra và luận giải những vấn đề lý luận về thi đua yêu nước; không những là người khởi xướng, tổ chức, theo dõi và động viên phong trào thi đua yêu nước của toàn dân, mà bản thân Người còn là một tấm gương mẫu mực, sáng ngời, vĩ đại và cao đẹp nhất, thuyết phục nhất của phong trào thi đua yêu nước. Và, đây cũng chính là một trong những khía cạnh đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.

Ngay từ năm 1945, khi Cách mạng mới thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ, phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân thi đua diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm; trong đó, để khắc phục nạn đói, Người đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và mở cuộc lạc quyên cứu đói.

Bản thân Người cùng các vị bộ trưởng và nhân viên chính phủ đã trực tiếp tham gia sản xuất sau giờ làm việc, tăng gia một cách thực sự. Đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu lại nhiều hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự của Người tăng gia ở chiến khu Việt Bắc cùng những thành quả do tăng gia mà có. Trong khi chờ đợi thu hoạch ngô, khoai, sắn.., Người đề xướng phong trào quyên gạo cứu đói: sẻ cơm, nhường áo, kêu gọi đồng bào cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo cứu dân nghèo và tự mình gương mẫu thực hiện trước.

Tại buổi khai mạc cuộc lạc quyên tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Người đã đem phần gạo nhịn ăn của mình quyên trước tiên. Tấm gương của Chủ tịch nước đã khích lệ đồng bào cả nước hưởng ứng và tham gia, mỗi tuần nhân dân cả nước đã quyên được hàng vạn tấn gạo cứu đói, giúp cho nhiều người nghèo vượt qua nạn đói khủng khiếp năm 1945.

Dưới sự chỉ dẫn và tấm gương của Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước phát triển, lan rộng từ hậu phương cho đến tiền tuyến, từ nhà máy, công trường đến xưởng thợ, trường học…, khắp nơi “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”.

Thi đua yêu nước đã huy động cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để đưa Cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm.

Thuyết phục, cảm động bằng chính sự mẫu mực

Theo số liệu tổng kết của các nhà nghiên cứu, từ năm 1945 đến 1965, đã có trên 30 phong trào thi đua của toàn dân và của riêng các lực lượng, các ngành, các giới gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu biểu như phong trào: Hũ gạo cứu đói (1945), Đời sống mới (1947), Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm (từ 1945, sau phát động thành phong trào từ năm 1952), Vững tay cày, chắc tay súng (1961), Thi đua cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất (1961); Cuộc vận động 3 xây, 3 chống: nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu (1963); Thi đua cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình (từ năm 1960); Phong trào phụ nữ 5 tốt (từ năm 1964); Phong trào Ba đảm đang (từ năm 1965); phong trào cờ 3 nhất: Đạt thành tích nhiều nhất, đều nhất, giỏi nhất; Thanh niên có phong trào Ba sẵn sàng; hay phong trào thi đua chung cho toàn miền Bắc với phương châm “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” (1964); Tất cả chi viện cho miền Nam, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”…

Sự nêu gương của Hồ Chí Minh trong phong trào thi đua yêu nước còn thể hiện qua 30 bài nói chuyện có đề cập đến nội dung thi đua yêu nước tại các địa phương, các hội nghị Trung ương, các ngành; qua gần 100 thư, điện khen của Người đối với các địa phương, các đơn vị tập thể, cá nhân có thành tích thi đua và qua hơn 20 bài báo khen các địa phương, cá nhân tích cực thi đua và thi đua đạt nhiều thành tích (có bài mang nội dung phê bình). Đặc biệt, trong mỗi bài phát biểu, bài viết, Người luôn đưa ra những con số minh họa cho sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của phong trào thi đua yêu nước.

Rõ ràng, nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước không chỉ thể hiện bằng những chỉ dẫn về công tác vận động, tổ chức thi đua mang tính hệ thống, khoa học và toàn diện, cụ thể và sâu sắc, gần gũi, dễ hiểu và dễ thực hiện…, mà Người còn chứng minh một cách trực quan, sinh động, đầy sức thuyết phục và cảm động bằng chính tấm gương mẫu mực của bản thân mình.

Chính điều đó đã đem lại hiệu quả to lớn và thiết thực trong phát động phong trào thi đua yêu nước. Đúng như khẳng định của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11.6.1948 - 11.6.1998): “Lý luận và những bài học thực tiễn từ tổ chức vận động thi đua là mảng sáng chói trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”[1].

---

[1] . Viện Thi đua - khen thưởng Nhà nước, Bác Hồ với thi đua ái quốc và tư tưởng chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình cách mạng mới, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội.1999, tr. 247.

PGS. TS NGUYỄN ĐÌNH BẮC - HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ - BỘ QUỐC PHÒNG

Có thể bạn quan tâm