Thời sự - Bình luận

Để thi đua yêu nước trở thành lẽ sống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giá trị lâu bền trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 75 năm trước đã khẳng định: Thi đua yêu nước đã vượt ra khỏi khuôn khổ là một phong trào mà dần trở thành một phương thức, một lẽ sống để hướng đến sự hạnh phúc của mỗi người dân, sự phồn vinh của dân tộc.

Không chỉ khi Tổ quốc lâm nguy mới đòi hỏi lòng yêu nước ở mức độ cao. Ngay trong thời bình, trong quá trình phục hồi, xây dựng và phát triển đất nước thì vẫn có nhiều thách thức mới, nguy cơ mới. Đó là trong quá trình hội nhập sâu rộng, sự liên kết của những nền tảng xuyên biên giới, sự phát triển chóng mặt của công nghệ vẫn cần sự tỉnh táo để nhận thức những “quyền lực mềm”, “biên giới mềm” âm thầm tác động lên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, ảnh hưởng lên ý thức của mỗi người dân.

Ý nghĩa của lời nhắn gửi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kì già trẻ, gái trai, bất kì giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa” trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc cách đây 75 năm vẫn mang đầy đủ ý nghĩa cho đến hiện tại như một sự nhắc nhở.

Lòng yêu nước khơi nguồn từ cuộc sống, tình yêu gia đình, yêu quê hương, làng xóm… là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân.

Yêu nước không chỉ trong lời nói mà phải xuất phát từ trong suy nghĩ và hành động cụ thể, hàng ngày của mỗi công dân Việt Nam.

Đơn cử, như Bác kêu gọi: “Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân”. Với hiện tại, đó là công tác cán bộ và đạo đức công vụ.

Vấn đề nóng trong công tác cán bộ hiện nay là vấn đề tham nhũng, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hoá của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phòng, chống những vấn đề trên đang là nhiệm vụ cấp bách của Đảng, Nhà nước.

Hay gần hơn là thái độ làm việc sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh… của không ít cán bộ trong thực thi công vụ gây bức xúc trong nhân dân. Đó không chỉ là thiếu trách nhiệm với tổ chức, đất nước, người dân mà còn vi phạm các quy định hiện hành, thậm chí vi phạm pháp luật.

Tinh thần yêu nước cần thể hiện cả ở việc thực hiện “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Ở góc độ rộng hơn, lòng yêu nước cần được thể hiện cao độ bằng sức sáng tạo, bằng mỗi việc làm trên tinh thần vì dân tộc, vì cộng đồng. Thách thức phía trước, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo trong từng bước đi, từng hành động để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam, tránh được những hệ lụy xã hội, và xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh, tự chủ đủ sức vượt qua được rủi ro và hệ lụy từ phía ngoài.

Điều ấy đòi hỏi trách nhiệm của từng cá nhân, để thi đua yêu nước thực sự trở thành điều hiển nhiên, là lẽ sống của mỗi công dân Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm