Sức khỏe

Dinh dưỡng

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông tin về "bệnh lạ" ở em bé 7 tháng tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các bác sĩ quyết định đốt ổ loạn nhịp trong trái tim em bé mới 7 tháng tuổi bởi phát hiện ra bé gặp cùng lúc 2 vấn đề về tim có thể gây đột tử, trong đó có một hội chứng hiếm gặp.



Lần đầu tiên, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã điều trị thành công tình trạng rối loạn nhịp tim chết người do hội chứng hiếm gặp Wolff – Parkinson – White (WPW) cho một em bé mới 7 tháng tuổi.

WPW là một vấn đề bẩm sinh, trong trái tim bệnh nhi sẽ xuất hiện một "con đường phụ" dẫn điện sai lầm giữa buồng trên và buồng dưới của bệnh nhi, gây ra những nhịp tim rất nhanh và rối loạn. WPW có thể khiến em bé đột tử bất cứ lúc nào.


 

Các bác sĩ đang kể lại ca bệnh ngoạn mục - ảnh: ANH THƯ
Các bác sĩ đang kể lại ca bệnh ngoạn mục - ảnh: ANH THƯ



Trước đó, bé trai L.M.K. đã được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng thường xuyên mệt, tim đập nhanh bất thường. Kết quả kiểm tra cho thấy ngoài WPW, bé còn mắc một dị tật tim tên Ebstein, gây tím nặng.

Việc phẫu thuật cho em bé là hết sức khó khăn bởi lẽ chính tình trạng rối loạn nhịp tim đặt ca mổ và cả quá trình hậu phẫu vào rủi ro lớn nhất: mất bệnh nhi. Theo y văn, kỹ thuật đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần để trị dứt điểm WPW chỉ phù hợp với bé trên 5 tuổi, nặng trên 15 kg.


 

 Bé K. trong vòng tay mẹ. Bé hồi phục rất tốt - ảnh do bệnh viện cung cấp
Bé K. trong vòng tay mẹ. Bé hồi phục rất tốt - ảnh do bệnh viện cung cấp



Nhưng cho dù được sử dụng các thuốc chống loạn nhịp hiện đại nhất, cháu bé vẫn ngày một suy yếu, bú kém, làn da tím.... và trên bờ vực nguy cơ đột tử.

Các bác sĩ đã quyết định phải thực hiện đốt ổ loạn nhịp, với một bộ dụng cụ nhỏ bé được chuẩn bị riêng cho bé. Sau 2 giờ cân não, các bác sĩ đã hoàn toàn chữa hết "bệnh lạ" cho cháu bé.

Hiện bé K. hồi phục sức khỏe rất tốt, đang được theo dõi hậu phẫu.

Theo PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, cố vấn khối tim mạch - phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1, thủ thuật nói trên chỉ là lựa chọn cuối cùng trong các trường hợp em bé bệnh quá nặng, điều trị nội khoa không đáp ứng chứ không phải bé nào mắc WPW hay các vấn đề rối loạn nhịp tim khác cũng cần đốt ổ buồng tim bằng sóng cao tần. Ca bệnh cho em bé rất nhỏ nói trên đã mở đường để các bác sĩ tiếp tục cứu sống những em bé dưới 5 tuổi khác bị vấn đề nguy hiểm này đe dọa.

 

Theo A. Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm