Kinh tế

Bài 1: Khang trang bộ mặt nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hệ thống giao thông nông thôn không chỉ là những tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện với các xã hoặc nối các trung tâm xã với nhau mà còn là các tuyến đường liên thôn, liên xóm… để nối các khu dân cư, phục vụ đời sống dân sinh. Việc tạo bước đột phá trong phát triển giao thông có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn.

Chương trình xây dựng giao thông nông thôn
Chương trình xây dựng giao thông nông thôn "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Ảnh: Hà Duy

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, những năm qua, mạng lưới đường bộ tỉnh Gia Lai được Chính phủ, Bộ Giao thông-Vận tải cũng như UBND tỉnh tập trung đầu tư. Hiện mạng lưới đường bộ tỉnh bao gồm 5 tuyến quốc lộ, 12 tuyến đường tỉnh và nhiều đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn, buôn và đường chuyên dùng với tổng chiều dài 11.061 km. Trong đó, chiều dài quốc lộ là 730,8 km, chiếm 6,6%; đường tỉnh là 431 km, chiếm 3,4%, đường huyện chỉ chiếm gần 15% với 1.650 km. Nhiều nhất là đường xã, thôn, buôn với gần 6.000 km, chiếm gần 54%. Tổng số cây cầu lớn, nhỏ là 379 cầu. Các tuyến đường tỉnh chủ yếu đạt tiêu chuẩn cấp IV, cấp V, đường huyện đạt cấp VI; còn rất nhiều tuyến chưa được vào cấp, đặc biệt các tuyến đường xã. Trong 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã có gần 365 km đường được xây dựng mới (bao gồm đường huyện, đường xã, đường thôn), nâng cấp 147 km đường tỉnh; nâng cấp-sửa chữa hệ thống đường huyện, đường xã trên 1.400 km với tổng kinh phí gần 2.665 tỷ đồng.

Bên cạnh hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên thôn, liên xã thì hệ thống giao thông ven đô cũng được tỉnh chú trọng đúng mực. Thực hiện Nghị quyết số 02/2001/NQ-HĐ về chủ trương bê tông, nhựa hóa hệ thống giao thông ven đô và nông thôn, Quyết định số 52/2004/QĐ-UB về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn và giao thông ven đô (hiện nay đã được thay thế bằng Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 2-3-2011), trong đó quy định mức hỗ trợ cho 1 km đường giao thông nông thôn (rộng 3 mét, dài 1 km) là 115 tấn xi măng và 100 triệu đồng tiền mặt đối với đường bê tông xi măng và mức hỗ trợ 12 tấn nhựa đường cộng với 100 triệu đồng tiền mặt đối với mặt đường đá dăm láng nhựa. Trong những năm gần đây, tổng số vốn đầu tư cho Chương trình kiên cố hóa đường giao thông nông thôn ven đô là 308,62 tỷ đồng, theo đó, toàn tỉnh xây dựng được trên 490 km đường giao thông ven đô.

 

Mạng lưới giao thông kết nối với quốc lộ 14 đã giải quyết cơ bản. Ảnh: Lương Thanh
Mạng lưới giao thông kết nối với quốc lộ 14 đã giải quyết cơ bản. Ảnh: Lương Thanh

Có thể thấy, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh phân bố tương đối hợp lý, từ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị, đường giao thông nông thôn, tạo được sự liên kết về mặt địa lý giữa tỉnh lỵ với các huyện lỵ, giữa thành phố với các thị xã, thị trấn, đồng thời nối với mạng giao thông quốc gia và các tỉnh lân cận. Hàng loạt các tuyến đường, công trình huyết mạch quan trọng đã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo và mở mới, như quốc lộ 14, 14C, 25, 19, đường Trường Sơn Đông; các đường tỉnh như 662, 664, 670,  670B; một số tuyến đường huyện, đường đô thị, các tuyến đường cơ bản nối từ trung tâm xã đến huyện, các công trình cầu như cầu Bến Mộng, cầu Suối Vối, cầu Đak Lốp, cầu Sông Ba, cầu Phú Cần... đã góp phần phá thế độc đạo về giao thông trên địa bàn tỉnh, kinh tế-xã hội từng bước phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng cao.

Về việc xây dựng giao thông nông thôn mới và thực hiện chiến lược phát triển giao thông nông thôn, ông Võ Văn Văn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải nhận định: “Qua kiểm tra cho thấy, chất lượng của một số công trình đạt yêu cầu và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Nhiều công trình xây dựng giao thông nông thôn bằng nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhờ có sự tham gia giám sát của địa phương nên chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Chưa kể việc nhân dân cũng trực tiếp tham gia thi công xây dựng và cử đại diện giám sát trong quá trình xây dựng công trình đã góp phần làm giảm giá thành và chống thất thoát trong đầu tư”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm