Kinh tế

Bài 2: Làm gì để doanh nghiệp có khả năng trả nợ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nợ cũ chưa trả xong, nợ mới không vay được, hàng tồn kho lớn, thị trường tiêu thụ chậm khiến doanh nghiệp gặp khó khăn chồng chất. Làm gì để tạo vòng quay vốn nhanh giữa thời buổi kinh tế khó khăn này?

Khó vì chính sách

Không ít doanh nghiệp đều kêu ca không tiếp cận được vốn, bởi những yêu cầu gần như là tiên quyết đến việc ngân hàng có cho vay hay không. Nhiều doanh nghiệp tìm đến ngân hàng bị từ chối với nhiều lý do, trong đó trở ngại lớn nhất là phải chứng minh được tài chính minh bạch, tính khả thi của dự án, chưa kể phải có tài sản thế chấp. Đây là nguyên tắc kinh doanh bất di bất dịch, nhằm bảo toàn đồng vốn ngân hàng. Thế nhưng, nợ cũ chưa trả xong, tài sản cũng đã nằm hết ở ngân hàng, vậy doanh nghiệp lấy gì đảm bảo nợ vay ngoài lấy hàng tồn kho làm thế chấp? 

 

 

Ông Hồ Đắc Dũng- Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai cho biết: Quy mô sản xuất của doanh nghiệp sẽ được mở rộng khi sắp tới đây Công ty nâng công suất hoạt động lên 6.000 tấn mía/ngày, do vậy rất cần vốn để sản xuất. Nhưng hiện nay, tài sản thế chấp đã nằm hết ở ngân hàng, hàng hóa lại đang tồn kho lớn. Đây là thực trạng chung của toàn ngành chứ chẳng riêng doanh nghiệp này, khi mà sản lượng đường tồn kho của toàn ngành lên đến 200.000 tấn.

Ông Đỗ Mạnh Luynh-đại diện Hiệp hội Xây dựng của tỉnh cho rằng, nhiều doanh nghiệp xây lắp đã thi công gần hoàn thành nhưng thiếu vốn, trong khi việc tiếp cận vốn vay lại không dễ chút nào, cũng vì không có tài sản đảm bảo. Nhiều công trình đã có khối lượng nhưng chưa được bố trí vốn khiến doanh nghiệp phải gồng gánh tiền lãi ngân hàng trong một thời gian khá dài. Nếu dự án hoàn thành sẽ được thanh toán vốn, lúc đó khả năng trả được nợ là hoàn toàn có thể và đây chính là sản phẩm tồn kho.  

Một số doanh nghiệp xây dựng khác lại nêu vướng mắc ở cơ chế chính sách. Ông Luynh dẫn chứng về việc nhiều dự án, công trình được khởi công rầm rộ rồi sau đó phải “đắp chiếu”. Tiền doanh nghiệp đổ ra đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu khá tốn kém, sau lại bị cắt giảm do thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án cao su, thủy điện được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng gặp khó khăn về vốn còn ngân hàng thì đang “chần chừ”. Doanh nghiệp chưa khai thác, chưa có khả năng gỡ các khoản nợ cũ, vay mới rõ ràng là khó.

Hiện nay, vấn đề doanh nghiệp quan tâm nhất là giải phóng hàng tồn kho, tạo vòng quay vốn để tái đầu tư. Đa số doanh nghiệp đều nêu quan điểm: Các ngân hàng nên linh hoạt, lấy hàng tồn kho làm tài sản thế chấp.

Hàng loạt những vấn đề được doanh nghiệp nêu ra gần như ngân hàng nào cũng hiểu, nhưng thực hiện được là cả một quá trình, bởi hiện tại có mấy ngân hàng chấp nhận mạo hiểm.

Hạn mức tín dụng còn thấp

Ngoài vấn đề làm thế nào giải quyết hàng tồn kho, đáp ứng vốn, tại cuộc họp kết nối ngân hàng-doanh nghiệp mới đây, các doanh nghiệp đều cho rằng vốn ngân hàng cần đã có nhưng chưa đủ, hạn mức tín dụng thấp trong khi nhu cầu quay vòng vốn của doanh nghiệp rất nhanh.

Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, đại diện Hiệp hội Nông sản Gia Lai phân tích: Sản lượng cà phê toàn tỉnh hiện khoảng 180.000 tấn. Nếu đạt mục tiêu xuất khẩu, riêng cà phê có thể đạt kim ngạch khoảng 180 triệu USD. Chia đều cho các doanh nghiệp thì doanh nghiệp ít nhất là vài triệu USD, nhiều là vài chục triệu USD. Nhu cầu là như vậy, nhưng vốn vay ngân hàng rất thấp, nhiều nhất là 2-3 triệu USD/năm. Vốn kinh doanh hàng xuất khẩu rất bí, ngoài nguồn vốn ngân hàng, doanh nghiệp tự xoay xở từ nhiều kênh vốn khác nhau.

Bên cạnh những nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp, chính sách về tín dụng, tài chính vẫn quá dàn trải, dù đã ưu tiên vốn cho lĩnh vực xuất khẩu nhưng thực tế thời gian qua, tín dụng lĩnh vực này mới giải quyết một phần vốn, chỉ như… muối bỏ bể-ông Hiệp nói.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai, dư nợ cho vay thu mua hàng xuất khẩu là 1.554 tỷ đồng, trong khi vốn cần cho lĩnh vực này mỗi vụ khoảng 180 triệu USD (tương đương khoảng 3.800 tỷ đồng). Như vậy, vốn tín dụng chỉ mới đáp ứng được hơn 40%.

Bà Võ Thị Nhược Thủy-Giám đốc Chi nhánh Sacombank Gia Lai cho biết hiện nhu cầu vốn từ phía các doanh nghiệp rất lớn nhưng bản thân ngân hàng cũng phải chủ động cân đối nguồn vốn để điều tiết giải ngân hợp lý.

Đề cập vấn đề này, theo ông Lâm Quốc Vinh-Giám đốc BIDV Gia Lai: Vốn cho ngành hàng nông sản trên địa bàn rất lớn. Khi muốn vay, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện tài sản thế chấp, nhưng gần như tài sản này hầu hết đã nằm ở ngân hàng với các khoản vay trước đó. Do đó, doanh nghiệp chủ yếu thế chấp bằng hàng tồn kho. Tuy nhiên, quy trình bảo quản để đảm bảo chất lượng và số lượng hàng hóa, giúp ngân hàng yên tâm và có cơ sở pháp lý nhận thế chấp khi có đối tác thứ ba là công ty cho thuê kho. Đây là điều các ngân hàng và doanh nghiệp mong mỏi thực hiện càng sớm càng tốt. Ông cho biết thêm, BIDV Gia Lai sẽ giải quyết các khoản vay cho doanh nghiệp có ý nghĩa tác động ngay đến hiệu quả hoạt động để tạo quay vòng sản xuất kinh doanh và lúc này doanh nghiệp mới có khả năng trả nợ.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm