Kinh tế

Cục Địa chất Việt Nam

Bàn giao dự án điều tra môi trường phóng xạ tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 25-9, Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) do đồng chí Trần Bình Trọng-Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý nhà nước về lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác Cục Địa chất Việt Nam. Ảnh: Lê Nam

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác Cục Địa chất Việt Nam. Ảnh: Lê Nam

Về phía tỉnh Gia Lai có đồng chí Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng làm việc với đoàn công tác Cục Địa chất Việt Nam có đại diện lãnh đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và PTNT; Công thương; Xây dựng: Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Sê và thị xã An Khê.

Đồng chí Trần Bình Trọng-Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (bìa trái) bàn giao sản phẩm dự án cho tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Đồng chí Trần Bình Trọng-Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (bìa trái) bàn giao sản phẩm dự án cho tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Tại buổi làm việc, Cục Địa chất Việt Nam đã bàn giao sản phẩm dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ tại một số khu vực có dị thường phóng xạ trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại của môi trường phóng xạ” cho tỉnh. Đây là dự án nhằm đánh giá hiện trạng môi trường trên một số khu vực có tiềm ẩn nguy cơ về ảnh hưởng môi trường phóng xạ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khoanh định các khu vực ảnh hưởng môi trường phóng xạ để bàn giao cho địa phương quản lý, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Quang cảnh buổi làm việc của Cục Địa chất Việt Nam với UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý nhà nước về lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Ảnh: Lê Nam

Quang cảnh buổi làm việc của Cục Địa chất Việt Nam với UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý nhà nước về lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Ảnh: Lê Nam

Sau 5 năm thực hiện đề án, Cục Địa chất Việt Nam kiến nghị với UBND tỉnh một số nội dung. Cụ thể, trên khu vực điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ, tỷ lệ 1:25.000 đã phát hiện một số khu vực có nguy cơ ô nhiễm về môi trường phóng xạ thuộc các huyện Kbang, Kông Chro, Chư Pưh, Ia Pa. Tuy nhiên, chưa được điều tra lộ trình địa chất môi trường để làm rõ đối tượng gây dị thường; đan dày xác định quy mô, mật độ dị thường để có thể thiết kế, điều tra chi tiết môi trường phóng xạ tỷ lệ 1:5.000. Trên địa bàn tỉnh, với quy mô dị thường và điều kiện địa chất tương đương, triển vọng phát hiện đất hiếm là có cơ sở, dự án kiến nghị cấp thẩm quyền quan tâm, làm rõ trong các dự án điều tra tiếp theo. Sau khi báo cáo được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, cần quản lý và cung cấp các thông tin về môi trường phóng xạ cho chính quyền địa phương, phục vụ cho quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Đồng thời, tuyên truyền để người nhận thức đúng về những tác hại lâu dài của chất phóng xạ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng của phóng xạ đến sức khỏe cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm