Kinh tế

Doanh nghiệp

Bài 2: Xâm lấn đất rừng ngày càng phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cơ chế chưa phù hợp với quy mô, phương án sản xuất kinh doanh nên hoạt động các công ty lâm nghiệp chưa thật hiệu quả. Thực tế trên khiến quỹ đất trả lại địa phương vẫn nằm trên giấy, trong khi diện tích rừng và đất rừng của công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ bị xâm lấn trái phép.

Tổng hợp của các cơ quan chuyên môn, diện tích rừng thuộc sự quản lý của các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ bị người dân xâm hại trái phép từ năm 2008 đến nay là 1.845 ha. Cục diện xâm lấn trái phép đất rừng diễn ra ngày một phức tạp; thậm chí có cả việc lợi dụng chủ trương của Nhà nước trong việc giao khoán đất rừng theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg để xâm hại rừng.
 

Ảnh: Nguyễn Diệp

Điển hình là diện tích đất rừng thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa bị người dân lấn chiếm 718 ha để trồng các loại cây trồng khác. Tương tự, diện tích rừng thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý bị xâm lấn từ lúc vừa tiếp nhận lại diện tích rừng từ dự án 661; trong đó tại xã Ia Kênh (TP. Pleiku) đã xảy ra nhiều vụ lấn chiếm đất rừng với tổng diện tích trên 27 ha.

Tình trạng phá rừng diễn ra ngày một tinh vi khi diện tích rừng tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Mơ, Ia Púch, Đak Đoa… liên tiếp để xảy ra tình trạng phá rừng, xâm lấn đất rừng. Theo ông Nguyễn Đức-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, khó khăn lớn nhất hiện nay của các ban quản lý rừng phòng hộ là kinh phí quản lý bảo vệ rừng không đảm bảo, phương tiện làm việc cũ kỹ, cả trách nhiệm theo dõi diễn biến rừng chưa được thực hiện thường xuyên và diện tích đất quy hoạch trồng rừng sản xuất chưa được chuyển sang trồng rừng phòng hộ.

Cùng với nguyên nhân trên, thực tế người dân thiếu đất sản xuất được xác định là một trong những nguyên dân dẫn đến tình trạng xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Theo thống kê của UBND tỉnh, đến cuối năm 2011 toàn tỉnh hiện còn trên 3.000  hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.

Nguyên nhân thiếu đất được xác định là do quy hoạch cơ sở hạ tầng, thành lập các nông-lâm trường, xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện… Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thấy đất có giá đã sang nhượng rồi đi làm công lấy tiền. Trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số chưa theo kịp kỹ thuật thâm canh ổn định dẫn đến đất đai ngày càng bạc màu, năng suất thấp, hệ số sử dụng đất không cao. Đồng thời việc tăng dân số tự nhiên và cơ học trên địa bàn tỉnh tương đối lớn cũng tác động đến áp lực sử dụng đất.

Giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho dân, tỉnh, địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải quyết đất sản xuất, đất ở cho dân theo Chương trình 132, Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ… Tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện tại quỹ đất để giải quyết cho các hộ thiếu đất của tỉnh đã khan hiếm, chủ yếu lấy từ quỹ đất lâm nghiệp. Liên quan đến quỹ đất lâm nghiệp, cũng cần nhắc lại một trong những phần việc của lộ trình sắp xếp, đổi mới nông-lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các công ty nông-lâm nghiệp có diện tích đất dân đang xâm canh triển khai rà soát quy hoạch lại đất đai để trả lại địa phương quản lý, sử dụng.

 

Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, rừng tự nhiên toàn tỉnh giảm 81.961 ha, rừng trồng cây lâm nghiệp giảm 3.908 ha. Diện tích rừng giảm trong khi các chủ rừng (công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, UBND xã có rừng) quản lý, sử dụng chưa chặt chẽ còn buông lỏng trách nhiệm để rừng bị lấn chiếm, phá rừng trái phép trong nhiều năm qua. Diện tích rừng giảm kéo theo tài nguyên, độ che phủ rừng giảm…

Từ kết quả rà soát, cơ quan chức năng đề nghị 5 công ty nông-lâm nghiệp trả về địa phương quản lý 918,56 ha đất; 11 công ty lâm nghiệp trả lại cho địa phương quản lý 8.935,34 ha và 4 ban quản lý rừng phòng hộ trả cho địa phương quản lý 10.298,6 ha đất. Cũng từ kết quả rà soát cho thấy, trong 148.084,2 ha đất thuộc quyền quản lý của các công ty lâm nghiệp hiện có 8.742,1 ha đất đang… để hoang và nhiều ha đất chưa sử dụng.

Người dân thiếu đất sản xuất, trong khi quỹ đất các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ nắm giữ không phát huy hết hiệu quả sử dụng là một nghịch lý. Nguyên nhân vì các bộ, ngành Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển của các công ty lâm nghiệp. Sự chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT do các công ty lâm nghiệp xây dựng phương án lại thiếu tính khả thi… nên đến thời điểm này các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển tại các công ty.

Từ đây các công ty lâm nghiệp không thể triển khai thực hiện những nội dung về đất đai, trong đó có phần việc trả lại đất cho địa phương quản lý; các nội dung về tài chính; lao động; mục tiêu sản xuất kinh doanh… dẫn đến hoạt động của các công ty lâm nghiệp không đạt hiệu quả như mong đợi. Đề cập đến thực tế này tại Hội thảo “Chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thực trạng và giải pháp” do Hội đồng dân tộc của Quốc hội phối hợp với Cơ quan Viện trợ Ai-len tổ chức tại tỉnh Bình Định cách đây chưa lâu, Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin cho rằng: Do công tác quy hoạch còn nhiều bất cập nên trong khi đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, công ty lâm nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng đang sở hữu diện tích đất khá lớn mà địa phương không thể thu hồi hoặc mua lại để cấp cho dân. Tình trạng đồng bào thiếu đất sản xuất, nạn di dân tự do khiến nhiều diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ đã và đang bị xâm hại gây ra nhiều khó khăn, trong đó có công tác quản lý bảo vệ rừng.

Nguyễn Diệp-Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm